Binh sĩ Ukraine kiệt sức, hết đạn, chỉ huy biến mất bí ẩn, Avdiivka sụp đổ chóng vánh và rơi vào tay Nga

Phương Đăng (theo AP) Thứ ba, ngày 12/03/2024 14:34 PM (GMT+7)
Khi tinh thần binh sĩ trấn thủ Avdiivka sa sút cùng cực, một chỉ huy tiểu đoàn - phụ trách hàng trăm người - biến mất bí ẩn... tất cả các sự kiện khiến pháo đài Avdiivka của Ukraine nhanh chóng sụp đổ và rơi vào tay Nga như một điều không thể tránh khỏi, theo AP.
Bình luận 0
Binh sĩ Ukraine kiệt sức, hết đạn, chỉ huy biến mất bí ẩn, Avdiivka sụp đổ chóng vánh và rơi vào tay Nga - Ảnh 1.

Thành phố Avdiivka ở Donetsk trông như thành phố ma do chiến sự ác liệt kéo dài. Ảnh IT

Hãng thông tấn AP đã phỏng vấn 10 binh sĩ Ukraine để tái hiện lại việc đạn dược ngày càng cạn kiệt, quân số áp đảo của Nga và sự quản lý yếu kém của Kiev đã dẫn đến thất bại tồi tệ của Ukraine ở pháo đài Avdiivka ở Donetsk đồng thời vạch trần những vấn đề tương tự đang gây ra rủi ro cho tương lai gần của Ukraine.

Theo AP, tình trạng binh sĩ kiệt quệ được phản ánh qua việc một lữ đoàn Ukraine đã được giao bảo vệ cùng một khu công nghiệp trong nhiều tháng không ngừng nghỉ. Một lữ đoàn khác đã chiến đấu ở Avdiivka gần suốt 2 năm không có quân tiếp viện hay thay thế để giải tỏa.

Lượng đạn dược thấp và quân Nga tiến hành hàng chục cuộc không kích mỗi ngày, sử dụng "bom lượn" để tiêu diệt ngay cả các vị trí kiên cố nhất.

Lính Nga xuất hiện theo từng đợt: Đầu tiên là những cuộc đột kích được trang bị vũ khí hạng nhẹ, buộc quân phòng thủ Ukraine phải tiêu tốn những viên đạn quý giá; tiếp theo những người lính Nga được huấn luyện bài bản xuất hiện. Đôi khi có những cuộc phục kích có sự tham gia của lực lượng đặc biệt tinh nhuệ.

Khi tinh thần sa sút, một chỉ huy tiểu đoàn - phụ trách hàng trăm người đang trấn thủ Avdiivka đột ngột biến mất trong hoàn cảnh bí ẩn, theo các tài liệu mà hãng tin AP thu thập được. Một trong những người lính đi cùng viên chỉ huy được tìm thấy đã chết. Trong khi đó, người chỉ huy và một người lính khác không được nhìn thấy kể từ đó.

Trong vòng một tuần, Ukraine đã mất Avdiivka, thành phố ở vùng Donetsk mà họ đã bảo vệ từ rất lâu trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Gần như bị bao vây và bị áp đảo, quân Ukraina đã quyết định rút lui để tránh chết chóc giống như những gì binh lính đã trải qua ở thành phố cảng Mariupol, nơi hàng nghìn binh sĩ bị bắt hoặc bị giết.

Viktor Biliak, một lính bộ binh thuộc Lữ đoàn 110, người đã được điều đến bảo vệ Avdiivka kể từ tháng 3/2022, cho biết: "Chúng tôi không kiệt sức về mặt thể chất mà về mặt tâm lý khi bị giam chặt ở đây". Đơn vị của Biliak đóng ở ngoại ô phía nam Avdiivka, trấn thủ một vị trí kiên cố tên là Zenith. Thông thường, binh lính sẽ đào công sự, nhưng Biliak cho biết quân Nga bắn liên tục trong khi binh sĩ Ukraine cạn đạn dược để bắn trả và không có bất cứ thiết bị gì để đào hào ngoài xẻng cầm tay.

Theo những hình ảnh được đăng trên tài khoản mạng xã hội của nhiều lữ đoàn, một số chiến hào của binh sĩ Ukraine chỉ sâu hơn đầu gối. Điều đó có nghĩa là khi cần rút lui, quân lính Ukraine cũng không nơi nào an toàn để rút lui.

Một người lính Ukraine khác tên là Oleh thuộc Lữ đoàn 47 cho biết, trận chiến ở Avdiivka bắt đầu có sự thay đổi bước ngoặt vào cuối tháng 11 năm ngoái. Theo đó, trong một cuộc tấn công lớn của Nga, binh sĩ Ukraine nhận ra có điều gì đó đã thay đổi: Bầu trời đầy bom lượn, những vũ khí khổng lồ không có điều khiển từ thời Liên Xô đã được trang bị thêm hệ thống định vị mục tiêu có thể xóa sạch mọi thứ xung quanh họ, máy bay không người lái có chất nổ có thể xâm nhập vào các tòa nhà và săn lùng họ.

Kho đạn của người Ukraine đã cạn. Lính Ukraine bắn 1 viên đạn thì quân Nga bắn tới 8-9 viên.

Lúc đó, ý tưởng rút lui đã nảy mầm trong số những người lính Ukraine khi họ phải đối mặt với việc không có quân tiếp viện, không còn đạn dược và không có thay đổi nào trong chiến lược phòng thủ.

Khi hàng trăm binh sĩ Ukraine rút về cố thủ bên trong nhà máy than cốc của Avdiivka, người Nga vẫn không ngừng tấn công họ. Hàng chục quả bom lượn bắt đầu phát nổ mỗi ngày.

Oleksander, một đại đội trưởng thuộc Lữ đoàn Tổng thống bên trong nhà máy, cho biết ảnh hưởng tâm lý rất khủng khiếp đối với binh sĩ Ukraine lúc này. Ông nói: "Mọi người đều quen với pháo binh, nhưng bom lượn là một thứ mới và chúng tôi chưa quen với chúng. Sức công phá của chúng lớn hơn gấp nhiều lần. Ảnh hưởng đến tâm lý cũng lớn hơn".

Khi nhiều binh sĩ cảm thấy bị các đồng minh phương Tây bỏ rơi, chỉ huy cấp cao của họ cũng phớt lờ, Lực lượng đặc biệt của Nga bắt đầu xuất hiện, không biết từ đâu, nổ súng vào người Ukraine rồi biến mất. Quân Nga chui ra từ một cái cống phía sau phòng tuyến của Ukraine và bắt được một chỉ huy trước khi những người lính choáng váng kịp phản ứng.

Khác với quân đội Ukraine đang lâm vào cảnh cạn kiệt vũ khí, người Nga có nguồn cung cấp nhân lực và đạn dược dường như vô tận và không sợ lãng phí nó. Giữa các cuộc không kích không ngừng nghỉ và sự tiến công của bộ binh Nga, quân Ukraine nhận thấy các lựa chọn của họ ngày càng thu hẹp.

Người lính Ukraine tên là Oleh thừa nhận, với áp lực liên tục và thiếu sự giúp đỡ, nhiều người đã bàn đến việc rút lui. "Các cuộc tấn công liên tục của họ khiến chúng tôi kiệt sức".

Đến ngày 15/2, người lính Ukraine tên là Bliak cho biết, Lữ đoàn 110 của anh bắt đầu nhận được lệnh rút lui vào ban đêm khỏi các vị trí ở sườn phía nam Avdiivka. Tuy nhiên, cuộc rút lui không suôn sẻ khi nhiều đồng đội của Bliak thiệt mạng và bị thương do bị phục kích, rơi vào hố bom hoặc vô tình bị mảnh đạn xé toạc.

"Sẽ rất vui nếu điều đó xảy ra sớm hơn. Chúng tôi luôn sẵn sàng vứt bỏ mọi thứ và chạy trốn khỏi đó vì chúng tôi đã biết từ lâu rằng ngày tận thế sắp đến. Nhưng sau đó chúng tôi biết rằng đã quá muộn và đó là lý do chúng tôi tuyệt vọng", Bliak chia sẻ.

Binh sĩ Ukraine kiệt sức, hết đạn, chỉ huy biến mất bí ẩn, Avdiivka sụp đổ chóng vánh và rơi vào tay Nga - Ảnh 2.

Binh sĩ Ukraine. Ảnh IT

Lữ đoàn xung kích 3 nhận được lệnh rút lui một ngày sau Lữ đoàn 110. Lypen, một người điều khiển máy bay không người lái của lữ đoàn cho biết, họ đập vỡ bất cứ thứ gì không thể mang theo để ngăn thiết bị rơi vào tay Nga và bị nhồi nhét vào các xe bọc thép chở quân như cá mòi.

Cuối cùng, vào ngày 17/2, Nga tuyên bố kiểm soát Avdiivka và nhà máy than cốc ở đây. Quân đội Ukraine cho biết phần lớn binh sĩ đã rút khỏi Avdiivka đều an toàn và tổn thất của Nga còn lớn hơn nhiều. Ngày 29/2, tân tư lệnh quân đội Ukraine, Đại tá Oleksandr Syrskyi đưa ra tuyên bố cho thấy một số chỉ huy "đã có những tính toán sai lầm nhất định trong việc nắm bắt tình hình và đánh giá kẻ thù, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của lực lượng phòng thủ ở một số hướng nhất định".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem