Bình Thuận: Giá gà ta tăng tới mức nào mà dân nuôi gia cầm thở phào như trút được gánh nặng?

Thứ bảy, ngày 27/06/2020 06:37 AM (GMT+7)
Chị Võ Thị Hải Linh, thôn Xuân Phú, xã Phong Nẫm (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đang nuôi gần 2 nghìn con gà ta, trong đó có gần 500 con chuẩn bị xuất chuồng. Thời điểm này, việc tiêu thụ gà đã trở nên thuận lợi, giá bán cao hơn, dao động từ 85 – 100 nghìn đồng/1kg
Bình luận 0

Ga cầm, trong đó có gà ta trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tăng giá sau một thời gian dài giảm giá do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng là lúc người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh gặp khó. Đầu ra sản phẩm giảm đã đành, giá cả cũng theo đó “xuống dốc”, khiến người chăn nuôi lao đao. Tuy nhiên, những ngày gần đây người chăn nuôi đã được đón tin vui khi giá gia cầm đang tăng trở lại.

Bình Thuận: Giá gà ta tăng tới mức nào mà dân nuôi gia cầm thở phào như trút được gánh nặng? - Ảnh 2.

Chị Võ Thị Hải Linh, thôn Xuân Phú, xã Phong Nẫm đang nuôi gần 2 nghìn con gà ta, trong đó có gần 500 con chuẩn bị xuất chuồng. Thời điểm này, việc tiêu thụ gà đã trở nên thuận lợi, giá bán cao hơn, dao động từ  85 – 100 nghìn đồng/kg.

Không chỉ gà, thời điểm này, vịt cũng tăng giá trở lại, giá vịt dao động từ 100 - 120 ngàn đồng/con, tăng 40 ngàn đồng so với thời điểm trước đó. 

Một trong những nguyên nhân khiến giá gia cầm tăng trở lại là do tình hình dịch bệnh Covid - 19 đã ổn định, bên cạnh đó giá thịt lợn liên tục tăng cao, khiến người tiêu dùng chuyển sang mua thịt gia cầm.

 Dù giá đã tăng nhưng theo nhận định của các hộ nuôi, việc sản xuất và kinh doanh gia cầm thời gian tới có thể chưa thoát khỏi những khó khăn vì hiện nay bắt đầu vào mùa mưa, dịch bệnh trên gia cầm sẽ diễn biến phức tạp. Do đó, người chăn nuôi vẫn đang e dè, chưa vội tăng đàn ở thời điểm này.

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có trên 4 triệu con gia cầm; riêng tại thành phố Phan Thiết có khoảng gần 50.000 con, tập trung ở các xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm, Tiến Lợi…

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh tế trong quá trình nuôi, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi nên tiến hành khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Đồng thời lựa chọn nguồn giống có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ nghiêm lịch tiêm vắc – xin phòng bệnh.

Việc gia cầm tăng giá trong những ngày gần đây rõ ràng là tín hiệu đáng mừng cho nhiều hộ chăn nuôi vốn đã gặp rất nhiều khó khăn thiệt hại bởi bệnh dịch tả heo châu Phi năm 2019 và dịch bệnh Covid -19.

Tuy nhiên, trên thực tế muốn người chăn nuôi phát triển một cách bền vững ngành chức năng cần có những định hướng kịp thời.

Đồng thời, hơn lúc nào hết, sự liên kết giữa “bốn nhà” trong sản xuất là hết sức quan trọng. Bởi sự liên kết này sẽ giúp người chăn nuôi phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống, không phập phòng lo lắng về giá cả đầu ra sản phẩm trong quá trình đầu tư sản xuất.


Thanh Nhàn-Ngọc Lâm (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem