Bình Thuận: Trải "chiếu hoa" mời doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết tiêu thụ sản phẩm của nông dân

Bùi Phụ Thứ bảy, ngày 29/07/2023 13:09 PM (GMT+7)
Ngày 29/7, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh Bình Thuận đã sơ kết 5 năm thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP (ngày 5/7/2018) của Chính phủ.
Bình luận 0

Thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp

Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Nghị định 98 ra đời là một động lực rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh. Qua áp dụng Nghị định 98, trong những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận đã có những bước chuyển biến rõ rệt.

Bình Thuận: Trải "chiếu hoa" mời doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm của nông dân - Ảnh 1.

Một nông dân ở huyện Tánh Linh bên cánh đồng lớn. Ảnh: Bùi Phụ

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Hải, để kế hoạch được triển khai nhất quán và hiệu quả nhất, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở ngành có liên quan, lãnh đạo các địa phương tăng cường đẩy mạnh công tác và chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi phát huy vai trò của hợp tác xã, doanh nghiệp trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Song song đó là hỗ trợ đầu vào cho thành viên, nông dân để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân…

Nhờ đó, cơ cấu cây trồng chuyển đổi đúng hướng, đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Riêng chăn nuôi đã chuyển biến dần từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, ứng dụng khoa học công nghệ, kiểm soát môi trường và dịch bệnh.

Còn ngành thủy sản phát triển ổn định, gắn kết giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu thuỷ sản tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển.

Theo ông Nguyễn Hồng Hải, đến nay toàn tỉnh Bình Thuận đã có 10 chuỗi liên kết được phê duyệt và triển khai, gồm 9 chuỗi cấp huyện và 1 chuỗi cấp tỉnh. Tổng kinh phí các dự án, kế hoạch liên kết được cấp thẩm quyền phê duyệt là 51.500.611 ngàn đồng(hơn 51 tỷ đồng), trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 29.437.264 ngàn đồng(gần 30 tỷ đồng).

Số lượng dự án, kế hoạch liên kết được phê duyệt tính đến 31/12/2022 là 10 chuỗi. Trong đó, phân theo nhóm ngành hàng: Trồng trọt 9 chuỗi, chăn nuôi 1 chuỗi. Doanh nghiệp 4 chuỗi, HTX 6 chuỗi, có hơn 800 hộ nông dân, 12 HTX và 4 doanh nghiệp tham gia.

Bình Thuận: Trải "chiếu hoa" mời doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm của nông dân - Ảnh 2.

Cánh đồng lúa ở huyện Đức Linh. Ảnh: Bùi Phụ

Nông dân và doanh nghiệp cùng có lợi

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Thuận, các địa phương thực hiện mô hình liên kết cung ứng vật tư dịch vụ đầu vào, chế biến gắn với tiêu thụ lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện Đức Linh - Tánh Linh…

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương cấp xã trong việc quán triệt đến các thành viên, hộ nông dân tham gia liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi.

Đáng chú ý chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn nhất là đường giao thông, thủy lợi thuận lợi để bà con nông dân áp dụng các phương tiện cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo huyện Tánh Linh cho biết, tính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, huyện Tánh Linh tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cũng như phát huy các nguồn lực đầu tư phát triển.

Bình Thuận: Trải "chiếu hoa" mời doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm của nông dân - Ảnh 4.

Nông dân Phạm Thiên Đình đang chăm sóc cây sâu riêng hữu cơ ở thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ.

Theo ông Giáp Hà Bắc, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, huyện đã xác định và tập trung vào 3 sản phẩm chủ lực của là lúa gạo, cao su, cây điều. Ba sản phẩm này sẽ nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của huyện Tánh Linh.

"Ngành nông nghiệp huyện Tánh Linh đang thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với mô hình cánh đồng lớn. Song song đó là áp dụng công nghệ cao và chuyển đổi số, cơ giới hóa trong nông nghiệp nhằm phát triển triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, bảo quản, chế biến nông sản để tạo điều kiện đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng ở các thị trường lớn…", ông Giáp Hà Bắc thông tin.

Cũng theo ông Giáp Hà Bắc, Tánh Linh đang duy trì ổn định diện tích đất trồng lúa trên địa bàn toàn huyện khoảng hơn 11.000 ha, ngoài ra còn thực hiện lộ trình xây dựng cánh đồng lớn đến năm 2030 là 7.000 ha trên vùng lúa chất lượng cao.

Từ đó hướng đến sản xuất theo hữu cơ vi sinh, phương pháp SRI và chứng nhận VietGAP, GlobalGAP… Riêng cây điều hiện có trên 5.700 ha, cây cao su diện tích ổn định khoảng 21.800 ha.

Bình Thuận: Trải "chiếu hoa" mời doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm của nông dân - Ảnh 3.

Nông dân Nguyễn Anh Đức, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình với gạo hữu cơ Đức Lan bán trong và ngoài tỉnh trên 200 tấn gạo thành phẩm/năm. Ảnh: Bùi Phụ

Xây dựng thương hiệu gạo Tánh Linh

Theo ghi nhận của Dân Việt, một trong những nông dân đi đầu, trong việc trồng lúa hữu cơ, góp phần tạo nên thương hiệu "Gạo Tánh Linh" mấy năm qua là nông dân Nguyễn Anh Đức(hiện là giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình) ở xã Đức Bình, huyện Tánh Linh.

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa chất lượng cao  được trồng theo phương pháp hữu cơ bên sông La Ngà, nông dân Nguyễn Anh Đức cho biết, vùng này trước đây rất khó trồng lúa. Nhưng gần chục năm qua, nhờ nguồn nước thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, đập dâng Tà Pao, sông Là Ngà nên ngành nông nghiệp hữu cơ phát triển rất tốt.

"Nếu trước đây, vùng này bà con làm nông nghiệp dựa theo nước trời may nhờ rủi chịu thì này đã có nhiều cánh đồng lúa chất lượng cao, cung cấp cho thị trường một nguồn lương thực lớn. Nhiều thương hiệu gạo sạch, ngon, hữu cơ cũng xuất phát từ những cánh đồng ven sông La Ngà này…", ông Đức chia sẻ.

Clip: Hệ thống đập dâng Tà Pao ở huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận. Thực hiện: Bùi Phụ

Theo lời ông Đức, hiện tại gia đình ông đang gieo trồng hơn 20ha lúa hữu cơ. Toàn bộ diện tích này chỉ sử dụng phân hữu cơ, khoáng thiên nhiên, phân heo, phân trâu, phân bò, cùng một số biện pháp tự nhiên sinh học để duy trì, nâng cao độ phì của đất.

Những hoạt chất này đã được các cơ quan chức năng, ngành nông nghiệp của huyện Tánh Linh tư vấn và chấp thuận. Và sau khi thu hoạch lúa, đã cho ra thương hiệu gạo Đức Lan thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng trong mấy năm qua.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tánh Linh cho biết, hiện có 3.000 ha diện tích lúa chất lượng cao và 100 ha hơn diện tích sản xuất lúa giống tại các xã Đức Phú, Măng Tố, Bắc Ruộng, Lạc Tánh…

Hầu hết diện tích cánh đồng lớn đều có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra, đặc biệt là những cánh đồng lúa ở xã Đức Bình, Măng Tố, Đức Phú và Đồng Kho… sản xuất theo hướng hữu cơ đã tạo nên thương hiệu "Gạo Tánh Linh".

Những doanh nghiệp liên kết điển hình theo Nghị định 98 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, mô hình liên kết cung ứng vật tư dịch vụ đầu vào, chế biến gắn với tiêu thụ lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện Đức Linh - Tánh Linh có các bên tham gia như: Chi nhánh Công ty TNHH SX & TM Đại Nhật Phát, liên kết liên kết với 5 HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Linh và Tánh Linh.

Quy mô liên kết: 250 ha/357 hộ tham gia, kinh phí đầu tư: 9.656.150.000 đồng(hơn 9,6 tỷ đồng), trong đó Nhà nước hỗ trợ 4.618.425.000 đồng(hơn 4,6 tỷ đồng) phần còn lại do chi nhánh Công ty Đại Nhật Phát và HTX đối ứng.

Trong năm 2022 thực hiện 100 ha/119 hộ tham gia chương trình, thu mua sản lượng lúa nguyên liệu cho nông dân 600 tấn. Ngoài ra, Công ty còn thu mua lúa khô từ các hộ dân không tham gia liên kết khoảng 2.000 tấn/năm và khoảng 20.000 tấn lúa tươi từ các địa phương.

Qua xay xát, đánh bóng đạt 16.800 tấn gạo thành phẩm và cung ứng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu, TP. HCM, Lâm Đồng, Đắc Nông và các tỉnh phía Bắc.

Qua 4 tháng đầu năm 2023, Công ty thu mua 13.000 tấn lúa tươi, qua xay xát, đánh bóng đạt 8.040 tấn gạo thành phẩm.

Dự kiến năm 2023 - 2024, tiếp tục mở rộng thêm 150 ha, nâng tổng diện tích lên 250 ha, thu mua sản lượng từ các hộ tham gia liên kết từ 3.000 tấn - 3.500 tấn.

Công ty cũng dự kiến sẽ mua thêm nguồn nguyên liệu từ các hộ dân không tham gia liên kết và các địa phương khác thêm 30.000 tấn.

img

Một cánh đồng lúa hữu cơ ở hai bên sông La Ngà huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận: Ảnh: PV


Bài học kinh nghiệm khi thực hiện Nghị định 98 của Chính phủ

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, qua sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 98 của Chính phủ, một số bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt chính sách trong thời gian tới như: Cần tăng cường công tác tuyên truyền để cho cán bộ công chức, các tầng lớp nhân dân và các tổ chức kinh tế để có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tích cực vận động doanh nghiệp, nông dân tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và phát huy vai trò của HTX, doanh nghiệp là đầu mối giữ vai trò chính trong chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản. Đối với cơ quan chủ trì cần tăng cường hơn nữa vai trò là cơ quan tham mưu, thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai chính sách…

Nông dân tổ chức liên kết sản xuất dưới hình thức tốt nhất là thành viên hợp tác xã, hoặc là tổ hợp tác để HTX, tổ hợp tác tự tìm đối tác liên kết với công ty có tiềm lực bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn nhất là đường giao thông, thủy lợi thuận lợi để áp dụng các phương tiện cơ giới hóa vào sản xuất đưa máy móc, công cụ, phương tiện, quy trình sản xuất.   Tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp, HTX tham gia các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại, tạo sự kết nối, giao thương giữa người sản xuất và người kinh doanh để mở rộng thị trường nâng cao giá trị nông sản hướng đến sản xuất sạch, an toàn và bền vững cho người sản xuất.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem