Bình Thuận tập trung phát triển rừng trồng có chứng nhận bền vững, rừng gỗ lớn

Minh Huệ Thứ hai, ngày 16/12/2024 14:43 PM (GMT+7)
Theo Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ và chế biến bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh định hướng tập trung phát triển rừng trồng có chứng nhận quản lý rừng bền vững, rừng trồng gỗ lớn nhằm nâng cao chất lượng gỗ, phục vụ chế biến, xuất khẩu gỗ các sản phẩm từ gỗ.
Bình luận 0

Chuyển đổi quản lý rừng theo hướng hài hòa, bền vững

Theo công bố hiện trạng rừng năm 2022 tỉnh Bình Thuận tại Quyết định số 779/QĐ-UBND ngày 21/4/2023 của UBND tỉnh, tổng diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng của tỉnh là 349.625 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là 342.410 ha và diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng 7.215 ha. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn tính tỷ lệ che phủ rừng là 342,410 ha/794.260 ha, đạt tỷ lệ che phủ rừng là 43,11%. 

Được biết, Bình Thuận là một trong 11 tỉnh dự kiến tham gia thực hiện Thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ (ERPA) trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và LEAF (Tổ chức điều phối của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp). 

Bình Thuận tập trung phát triển rừng trồng có chứng nhận bền vững, rừng gỗ lớn - Ảnh 1.

Một góc rừng ở Vườn Quốc gia Phước Bình, có độ đa dạng sinh học cao. Ảnh: Đức Cường

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có duy nhất Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận được cấp và duy trì hàng năm Chứng chỉ rừng FM/CoC do Tổ chức đánh giá chứng nhận GFA (CHLB Đức) cấp. 

Hiện, Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận đang được giao quản lý gần 18.700 ha rừng, trong đó có 3.100 ha rừng tự nhiên và hơn 10.000 ha rừng trồng. Đến nay, diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC gần 9.600 ha, trong đó rừng trồng 8.670 ha và rừng tự nhiên 889 ha. Đây là kết quả của sự chuyển đổi dần từ quản lý rừng theo cách thức truyền thống sang quản lý theo hướng hài hòa, bền vững. 

Đến nay, Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận đã bán được 33.340,72 m3 gỗ trên diện tích 664,01 ha có chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho đối tác có nhu cầu về gỗ có chứng chỉ. 

Trên cơ sở phương án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, Công ty đã thực hiện kinh doanh tương đối hiệu quả diện tích trên 10.000 ha rừng trồng sản xuất và cây nông nghiệp hiện có. Trong đó, trọng tâm là diện tích công ty tự sản xuất, diện tích liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế, đồng thời hỗ trợ các đối tượng nhận khoán đất rừng áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao sản lượng khai thác rừng trồng như gỗ lớn, gỗ nguyên liệu giấy, mủ cao su,... nhằm đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho sản xuất và chế biến. 

Công ty đã từng bước áp dụng các biện pháp thâm canh, đưa thêm một số giống mới, giống cây cấy mô vào sản xuất. Đặc biệt, Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận đã dần chuẩn hóa các quy trình lâm sinh từ khâu giống, chuẩn bị đất, trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ và khai thác, nhằm kinh doanh hiệu quả và bền vững trên diện tích rừng trồng keo lai và bạch đàn. 

Đây là tiền đề để từng bước nâng cao tỷ lệ cung cấp gỗ lớn của rừng trồng, tăng năng suất, chất lượng trên toàn bộ diện tích rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Công ty, đồng thời hướng đến cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên các diện tích còn lại. 

Bình Thuận tập trung phát triển rừng trồng có chứng nhận bền vững, rừng gỗ lớn - Ảnh 2.

Rừng tự nhiên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú. Ảnh: baobinhthuan

Tập trung nâng cao trình độ, nhận thức của người dân đối với nghề rừng 

Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, việc thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng ngày càng được UBND tỉnh quan tâm, chú trọng. Cụ thể, ngày 11/7/2024, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 1353/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ và chế biến bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2021 – 2030. 

Đề án đặt ra định hướng tập trung phát triển rừng trồng có chứng nhận quản lý rừng bền vững, rừng trồng gỗ lớn nhằm nâng cao chất lượng gỗ, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh phục vụ chế biến, xuất khẩu gỗ các sản phẩm từ gỗ. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, Bình Thuận sẽ ổn định diện tích vùng cung cấp gỗ nguyên liệu hiện có, phấn đấu đưa diện tích rừng trồng có chứng nhận quản lý rừng bền vững đạt 8.444,03 ha, rừng trồng gỗ lớn 600 ha.

Mục tiêu đến năm 2030, Bình Thuận sẽ tiếp tục duy trì diện tích vùng cung cấp gỗ nguyên liệu toàn tỉnh khoảng 35.000 ha, trong đó phấn đấu đưa diện tích rừng trồng có chứng nhận quản lý rừng bền vững đạt 9.347,9 ha, rừng trồng gỗ lớn đạt 2.500 ha.

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đánh giá, việc thực hiện và duy trì thành công chứng chỉ rừng FM/CoC sẽ thay đổi tư duy trong quản lý rừng và đất rừng được nhà nước giao, thay đổi phương thức quản lý, xây dựng và phát triển nghề rừng với sự bền vững trên cả 3 khía cạnh: Kinh tế - Xã hội - Môi trường. 

Trong đó, về kinh tế - xã hội, sẽ khuyến khích thêm các thành phần kinh tế tham gia tích cực đầu tư, liên doanh liên kết cùng với các đơn vị có chứng chỉ rừng phát triển trồng rừng và chế biến gỗ xuất khẩu, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương; thu hút lao động địa phương tham gia các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, khai thác, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ qua đó góp phần cải thiện đời sống của người dân. 

Thực hiện và duy trì chứng chỉ rừng cũng sẽ góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ của người dân đối với nghề rừng bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tuyên truyền, áp dụng chính sách “người dân cùng tham gia”, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật lâm sinh, quản lý bảo vệ rừng,…

Ngoài ra, khi tình hình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị có chứng chỉ rừng ổn định và phát triển sẽ đóng góp kinh phí xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng địa phương như: Đường sá, các công trình công cộng; thực hiện tốt công tác xã hội, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện phần nào cuộc sống người dân địa phương. 

Về môi trường: Việc xây dựng, thực hiện những quy định nghiêm ngặt trong duy trì chứng chỉ rừng sẽ góp phần bảo vệ và phục hồi môi trường đất, nước và không khí từ việc nâng cao ý thức về việc sử dụng các loại thuốc hóa học ảnh hưởng đến môi trường sống, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ trong hoạt động lâm nghiệp; phát triển mô hình trồng rừng, chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn, chất lượng rừng trồng cải thiện, năng suất tăng, dẫn đến giá trị rừng trồng được nâng cao, tăng độ che phủ rừng rừng.

Đặc biệt, chứng chỉ rừng FM/CoC sẽ góp phần quảng bá thương hiệu, nâng cao vị thế của các đơn vị có chứng chỉ rừng trên thị trường, tăng tính cạnh tranh và là một công cụ không kém phần quan trọng trong việc tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết.

Việc thực hiện trồng rừng có chứng chỉ cũng giúp thay đổi trong phương thức quản lý, điều hành, các cơ chế, chính sách,... tạo nguồn thu lớn để chi trả lương và các chế độ chính sách, qua đó giúp cán bộ, công nhân viên, người lao động gắn bó với ngành lâm nghiệp.  



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem