Bloomberg: Samsung có tiềm năng chuyển nhà máy từ TQ sang VN

Thứ năm, ngày 22/05/2014 18:33 PM (GMT+7)
Samsung, hiện đang chiếm 1/3 thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, có thể sẽ chọn Việt Nam là nơi sản xuất 80% điện thoại di động cho hãng.
Bình luận 0
Ngày 14.5, tờ WantChinaTimes của Đài Loan dẫn lời các chuyên gia giấu tên cho biết, trong 3 năm tới, Samsung Electronic sẽ dời nhà xưởng sản xuất điện thoại từ Trung Quốc sang tập trung sản xuất tại Việt Nam để tiết kiệm chi phí.

Song trao đổi với VnExpress hôm 20.4, ông Nguyễn Văn Đạo - Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam đã bác bỏ thông tin trên và gọi đây là những điều "hoàn toàn không có căn cứ".

Nhà máy Samsung tại Việt Nam.
Nhà máy Samsung tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đó là một xu hướng có nhiều tính thực tế. Báo cáo tương tự cũng đã từng được tờ Bloomberg uy tín nhắc tới hồi tháng 12.2013, trong đó nói rằng không lâu nữa, Samsung có thể chuyển hướng sản xuất điện thoại từ Trung Quốc sang Việt Nam, nơi có giá nhân công rẻ hơn, để đảm bảo mức lợi nhuận cũng như tăng trưởng doanh số bán hàng thiết bị cầm tay cao cấp đang chậm lại của mình.

Samsung đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tăng tưởng lợi nhuận của mình trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng giảm và vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc có mức giá rẻ hơn.

Trong khi đó, thời gian gần đây Việt Nam nổi lên như điểm đến cho các hãng công nghệ lớn trên thế giới như LG, Nokia, Intel vì có giá nhân công chỉ bằng khoảng 1/3 so với Trung Quốc. Do đó, Samsung cũng không thể bỏ lỡ cơ hội tiết kiệm chi phí sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh và lợi nhuận cho mình như thế này.

"Xu hướng các công ty chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tăng tốc trong ít nhất 2-3 năm tới, chủ yếu vì chi phí lao động tại Trung Quốc cao hơn. Việt Nam hiện nay đang thực sự nỗ lực trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp", Bloomberg dẫn lời ông Lee Jung Soon, người đứng đầu một nhóm khởi nghiệp của Cơ quan Xúc tiến Thương mại Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh cho biết.

Nhiều
Nhiều "ông lớn" sản xuất thiết bị điện tử như LC, Intel, Nokia cũng đang tìm tới Việt Nam đặt nhà máy.

Trong năm 2013, chính phủ đã phê duyệt 13,8 tỷ USD dự án nước ngoài, tăng 73% so với năm trước, trong đó các doanh nghiệp Hàn Quốc dẫn đầu với 3,66 tỷ USD, Bloomberg dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết. Trong khi đó, các dự án nước ngoài vào Trung Quốc năm 2013 chỉ tăng 6%.

"Việt Nam có điều kiện chính trị ổn định và lực lượng lao động ngày càng có trình độ tốt. Cũng giống Hàn Quốc, Việt Nam rất có ý thức tái thiết nền kinh tế sau chiến tranh", LG cho biết trong bức mail trả lời phỏng vấn Bloomberg.

Samsung, hiện đang chiếm 1/3 thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, có thể sẽ chọn Việt Nam là nơi sản xuất 80% điện thoại di động cho hãng, Lee Seung Woo, một nhà phân tích tại công ty chứng khoán IBK ở Seoul và đã có hơn một thập kỷ quan sát Samsung cho biết.

"Trong kinh doanh điện thoại di động thì điều quan trọng nhất là nguồn nhân lực", ông nói thêm.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế kỷ lục của Trung Quốc đã thúc đẩy lạm phát gia tăng và đẩy giá nhân công tăng theo. Mức lương trung bình của một công nhân làm việc cho cho các nhà máy ở Bắc Kinh là 466 USD/tháng, trong khi ở Hà Nội là 145 USD/tháng, theo khảo sát lương của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản năm 2012.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong khi đó, sự tăng trưởng kinh tế cũng giúp tăng lượng khách hàng tiềm năng của Samsung ở Trung Quốc, nhưng tầng lớp này luôn đòi hỏi các sản phẩm có tính năng tốt hơn nhưng lại đòi hỏi phải có giá rẻ hơn.

Tại Việt Nam, Samsung đang có hai nhà máy đặt tại Bắc Ninh (SEV) và Thái Nguyên. Khi nhà máy ở Thái Nguyên có vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD đi vào hoạt động đầy đủ trong năm 2015, nó sẽ sản xuất khoảng 40% (120 triệu chiếc) điện thoại di động mỗi năm cho hãng và tạo ra lợi nhuận lớn cho tập đoàn này.


Trung Quốc năm ngoái đã vượt Mỹ trở thành thị trường điện thoại thông minh có mức tăng trưởng lớn nhất và doanh số bán hàng đạt 250 triệu chiếc trong năm 2013, nhiều gấp 2 lần Mỹ, theo ước tính của công ty Phân tích công nghiệp IDC. Nhưng giá 3/4 điện thoại di động bán ra ở Trung Quốc có giá dưới 250 triệu USD, rẻ bằng 1/5 so với Mỹ.

Doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 1,7 tỷ chiếc trong năm 2017, đồng thời mức giá trung bình sẽ giảm từ 337 USD xuống còn 265 USD, IDC cho biết trong báo cáo tháng 11.2013.

"Quy tắc trò chơi đang thay đổi và việc nắm giữ bao nhiêu thị phần có thể giúp họ giành chiến thắng trước các đối thủ. Nhiều công ty đang đau đầu tìm cách cắt giảm chi phí sản xuất", Hong Sung Ho - một nhà phân tích đầu tư chứng khoán của LIG & Co ở Seoul cho hay.

Ấn Độ, Indonesia và các quốc gia khác cũng có các chính sách giảm thuế và lao động giá rẻ để hút đầu tư nước ngoài, nhưng Samsung vẫn chọn Việt Nam vì có vị trí gần gũi với Hàn Quốc và các cơ sở của họ ở Trung Quốc nhất. Đó là ưu điểm nữa của Việt Nam, ông Thân Trọng Phúc - Giám đốc quản lý đầu tư công nghiệp tập trung vào tài trợ DFJ VinaCapital LP tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

"Các quốc gia khác có thể phù hợp hoặc thậm chí đánh bại các ưu đãi mà Việt Nam đang đưa ra, nhưng Việt Nam vẫn rất gần gũi với chuỗi cung ứng của Samsung. Đó là lý do khiến các công ty Hàn Quốc đang hiện diện ở khắp nơi tại Việt Nam", ông nói thêm.

Samsung đặt nhà máy đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 1992 và hiện có 13 cơ sở sản xuất, 7 phòng thí nghiệm nghiên cứu tại quốc gia này, theo báo cáo tháng 6/2013 của tập đoàn Samsung.

Có 45.660 nhân công đang làm việc cho các nhà máy và phòng nghiên cứu của Samsung tại Trung Quốc, chiếm hơn 19% lực lượng lao động toàn cầu của Samsung Electronics và là nguồn lao động lớn nhất của Samsung bên ngoài Hàn Quốc.

Giáo Dục Việt Nam (Theo Giáo Dục Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem