Khi được hỏi, tại sao các em bỏ bê, không học các môn không thi tốt nghiệp nữa, các em trả lời ngay: Vì không có thi cử thì bọn em học làm chi cho mệt, mất thời gian. Lo học các môn thi tốt nghiệp chưa xong, nữa là...". Còn các thầy cô giáo dạy các môn không thi, như môn Sinh học, Giáo dục công dân không giấu giếm lòng mình: "Chúng tôi dạy môn giáo dục công dân 15 năm rồi, năm nào cũng vậy, cứ qua Tết là các em bỏ lửng, không học bài nữa…”.
Không chỉ học sinh mà ngay cả các trường cũng có tâm lý như vậy. Vì muốn đạt kết quả, thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp, không ít nhà trường bất chấp quy định của Bộ, sẵn sàng cắt xén chương trình đối với các môn không thi tốt nghiệp. Ngày công bố môn thi tốt nghiệp, cũng là lúc "khai tử" các môn không thi.
Tất nhiên, ban giám hiệu nhiều trường rất khéo bưng bít, che đậy việc làm sai phạm này, như thuyết phục thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh vì đại cục, vì học sinh thân yêu mà không được phản ánh, nói năng lung tung... lên cấp trên. Các thầy cô giáo dạy các môn không thi kể từ đầu tháng 4 không phải lên lớp nữa. Không dạy, tiết vẫn được tính đủ, thì giáo viên nào lại đi làm cái chuyện "vạch áo cho người xem lưng"?
Nhiều trường chấp hành nghiêm túc, không dám tùy tiện cắt xén chương trình mà làm theo cách đẩy nhanh tiến độ chương trình. Đầu tháng 4 chỉ còn mỗi việc lo ôn tập hướng tới thi tốt nghiệp cho học sinh.
Sự lo lắng, đầy trách nhiệm của nhà trường, thầy cô giáo đối với học sinh năm cuối cấp trong kỳ thi tốt nghiệp là điều rất đáng quý. Tuy nhiên, kiến thức phổ thông là kiến thức rộng, không thể “môn trọng, môn khinh” khiến các em bỏ lỡ việc tiếp thu kiến thức của cả 1/2 thời lượng môn học lớp 12 như vậy.
Đỗ Tấn Ngọc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.