Bộ Công an giải thích thế nào về việc làm căn cước công dân 3 tháng vẫn chưa được nhận?

Đức Minh Thứ sáu, ngày 02/07/2021 12:02 PM (GMT+7)
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an khẳng định, việc chậm trễ trả thẻ căn cước công dân không ảnh hưởng nhiều đến giao dịch của người dân vì người dân vẫn có thể sử dụng chứng minh nhân dân cũ.
Bình luận 0

Sáng nay (7/2), báo VnExpress đã tổ chức buổi phỏng vấn trực tuyến "Bỏ sổ hộ khẩu giấy - Quản lý công dân như thế nào?" với đại diện Bộ Công an.

Tại buổi phỏng vấn, đại diện Bộ Công an đã trả lời nhiều nội dung đang được người dân quan tâm liên quan đến việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, lợi ích của việc sử dụng căn cước công dân (CCCD) có gắn chip là gì? Tại sao việc cấp thẻ CCCD lại quá chậm so với dự kiến?…

Bộ Công an giải thích thế nào về việc làm căn cước công dân 3 tháng vẫn chưa được nhận? - Ảnh 1.

Công an Hà Nội làm thủ tục cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử cho người dân. Ảnh: Việt Dũng

Luật Cư trú (sửa đổi) có nhiều điểm mới đột phá

Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày (1/7), phương thức quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bắt đầu được thay thế bằng số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Chỉ ra điểm mới, nổi bật, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân của Luật Cư trú (sửa đổi), Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách Hành chính - Tư pháp, Bộ Công an cho biết, so với Luật Cư trú 2006 thì Luật Cư trú 2020 có nhiều điểm mới đột phá liên quan đến đời sống người dân cũng như công tác quản lý nhà nước. Cụ thể, những quy định mới nổi bật về chính sách có hai nội dung thể hiện điểm mới trong quản lý cư trú. 

Thứ nhất, Luật Cư trú mới quy định điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh như nhau. Trước đây thì điều kiện đăng ký thường trú vào 5 thành phố trực thuộc trung ương ngoài các điều kiện như tỉnh khác còn có thêm điều kiện người dân để đăng ký thường trú phải có thời gian tạm trú nhất định, liên tục mới được đăng ký hộ khẩu. 

Ví dụ vào các huyện, xã của các thành phố này phải liên tục tục tạm trú 1 năm trở lên. Còn vào các quận nội thành từ 2 năm trở lên. Riêng quận nội thành Hà Nội phải từ 3 năm trở lên.

Theo Luật Cư trú 2020, điều kiện này đã được bỏ, như vậy thì điều kiện đăng ký thường trú các tỉnh thành như nhau.

Những người có chỗ ở hợp pháp cho thuê ở nhờ thì đảm bảo bình quân diện tích, được người cho thuê đồng ý. Như vậy, chỉ cần một điều kiện là sở hữu chỗ ở hợp pháp và được chủ hộ đồng ý.

Bộ Công an giải thích thế nào về việc làm căn cước công dân 3 tháng vẫn chưa được nhận? - Ảnh 2.

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách Hành chính - Tư pháp, Bộ Công an. Ảnh: Ngọc Thành/VnExpress

Chính sách thứ hai, theo Đại tá Đỗ Khắc Hưởng tạo điều kiện tốt hơn quyền tự do cư trú của người dân là quyền hiến định. Đó là nếu như trong Luật Cư trú 2006 chỉ có 3 nơi công dân được đăng ký thường trú là nhà ở, nơi đóng của công an, quân đội nhân dân, trên các tàu thuyền phương tiện sử dụng để ở thì luật mới còn bổ sung thêm 4 nơi công dân được đăng ký cư trú là cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, cơ sở bảo trợ xã hội, nơi cư trú của ngời chăm sóc nuôi dưỡng giúp đỡ người cơ nhỡ ngoài cộng đồng và thực tế nơi sinh sống của người không đăng ký thường trú, tạm trú. 

"Đây là chính sách rất nhân đạo của luật mới. Trên thực tế có người dân không có nơi tạm trú và thường trú, lâm vào tình trạng vô gia cư. Trong tình trạng như vậy thì những thủ tục hành chính, giao dịch dân sự liên quan cư trú của họ không có thông tin. Luật Cư trú quy định những người này nơi cư trú của họ là nơi thực tế họ đang sống. Họ khai báo, cơ quan quản lý xác minh. Đó là chính sách tạo điều kiện cho người dân" - Đại tá Đỗ Khắc Hưởng nói.

 Tháng 11 sẽ trả toàn bộ thẻ CCCD

Cũng từ 1/7, hai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý CCCD chính thức vận hành, góp phần phục vụ quản lý dân cư theo cách thức mới.

Khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, cảnh sát sẽ dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mã số định danh cá nhân để quản lý công dân. Khi tham gia các giao dịch, công dân có thể xuất trình căn cước công dân (có thông tin về số định danh cá nhân) để cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu. Việc tra cứu sẽ thay thế cho các bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân.

Luật mới thay đổi phương thức quản lý cư trú từ thủ công bằng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở kết nối chia sẻ thông tin về hai dữ liệu này. Bằng cơ sở dữ liệu hiện đại sẽ tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục hành chính và giao dịch dân sự thì không phải đem theo giấy tờ như trước nữa, mà dùng mã định danh cá nhân để truy cập vào các cơ sở dữ liệu lưu trữ về lưu trú để sử dụng. 

Bộ Công an giải thích thế nào về việc làm căn cước công dân 3 tháng vẫn chưa được nhận? - Ảnh 3.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an. Ảnh: Ngọc Thành/ VnExpress

Mục tiêu của Bộ Công an hoàn thành cấp 50 triệu thẻ Căn cước công dân mới trước ngày 1/7/2021. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mục tiêu này đã không đạt được. Nhiều người phản ánh, làm căn cước công dân gắn chip khoảng 3 tháng trước nhưng đến nay chưa nhận được thẻ. Lý giải nguyên nhân của sự chậm trễ này, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên - Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, mục tiêu ban đầu đến ngày 1/7/2021 sẽ cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân nhưng do dịch bệnh ảnh hưởng đến việc sản xuất chip trên thế giới. Số lượng nhập về không đủ để làm thẻ kịp tiến độ. Đến thời điểm này, Bộ Công an đã in trả 20 triệu thẻ căn cước, phấn đấu đến tháng 11 sẽ trả toàn bộ thẻ.

"Việc này không ảnh hưởng nhiều đến giao dịch của người dân vì người dân vẫn có thể sử dụng chứng minh nhân dân cũ" – Thiếu tướng Nguyên khẳng định.

Về những ý kiến băn khoăn việc sử dụng Căn cước công dân gắn chíp điện tử có thể bị kiểm soát hoạt động cá nhân không? Thiếu tướng Phạm Công Nguyên khẳng định: "Chúng ta nghe chíp điện tử sẽ hoài nghi. Nhưng chíp này là thiết bị lưu trữ dữ liệu sinh trắc học và dữ liệu công dân trong hệ thống để truy cập. Thẻ công dân gắn chíp như chìa khóa. Còn chíp này không có chức năng định vị hay theo dõi quá trình di chuyển của người dân. Người dân hoàn toàn yên tâm khi sử dụng căn cước công dân gắn chíp. Pháp luật Việt Nam không cho phép làm điều đó".

Cùng với đó, trả lời về việc nếu có người khai thác, lợi dụng thông tin cá nhân của người dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để sử dụng vào những việc không tốt thì Bộ Công an có biện pháp gì để ngăn chặn? Đại tá Đỗ Khắc Hưởng cho hay, không thể có chuyện người khác có thể khai thác mà chỉ có người có thẩm quyền, điều này pháp luật đã quy định cụ thể nên người dân có thể yên tâm. Một là đảm bảo an ninh, thứ hai đảm bảo chính xác, thứ ba là luôn luôn sẵn sàng phục vụ người dân khi người dân cần sử dụng thông tin của mình.

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng cũng cho biết thêm, theo quy định hiện nay tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhưng để đảm bảo an toàn dữ liệu và bí mật thông tin của người dân trên cơ sở dữ liệu thì pháp luật quy định cụ thể ai, cơ quan nào được truy cập, với phạm vi, điều kiện thế nào. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Nghị định 137/2015 và Nghị định sửa đổi năm 2020 đã quy định từng nhóm cụ thể được khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu này và phạm vi thế nào.

"Còn về phí truy cập vào cở sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì tùy từng chủ thể và mục đích. Luật Phí và lệ phí và thông tư của Bộ Tài chính đã quy định cụ thể" - Đại tá Đỗ Khắc Hưởng nêu rõ.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem