Sợ “mắc” truyền tải, doanh nghiệp xin cơ chế riêng
Tháng 10/2019, Bộ Công Thương có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (Ninh Thuận) kết hợp trạm biến áp 500kV và các đường dây đấu nối vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đang có hiệu lực.
Trước thực trạng bùng nổ điện mặt trời trong hơn 1 năm qua tại tỉnh Ninh Thuận khiến tình trạng "mắc" truyền tải gia tăng, nhà đầu tư dự án muốn xây dựng 15,5 km đường dây 500 kV mạch kép để có được lợi ích kinh tế cao nhất từ giá điện 9,35 cent/kWh.
Cụ thể, theo đề xuất của chủ đầu tư dự án là Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam, ngoài nhà máy điện mặt trời 450 MW, cty này muốn thay Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đầu tư trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân dài 15,5km.
Việc "bùng nổ" điện mặt trời tại Ninh Thuận gây tình trạng "mắc" truyền tải suốt 1 năm qua
Được biết, đây là đề xuất chưa từng có, nguyên nhân là do theo Luật Điện lực nêu “truyền tải là độc quyền nhà nước”. Tuy nhiên, Luật Điện lực không nêu rõ khâu nào trong lĩnh vực truyền tải thuộc “độc quyền Nhà nước” (đầu tư - vận hành - quản lý).
Đề cập vấn đề trên, mới đây, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho hay trước nguy cơ thiếu điện, đường dây truyền tải không đáp ứng được sản lượng sản xuất, đề xuất của Cty CP đầu tư xây dựng Trung Nam là rất đáng xem xét.
“Tập đoàn Trung Nam cũng có đề xuất xây dựng thêm nhà máy điện mặt trời với công suất 450 MW. Bên cạnh đó, họ cũng đề xuất xây dựng thêm hệ thống đường dây 500 Kv bao gồm 1 trạm và đường dây đấu nối từ nhà máy của họ, từ Thuận Nam đến trạm Vân Phong. Sau khi xây dựng xong nhà máy, họ sẽ xây dựng hệ thống đường dây truyền tải này và ban giao cho ngành điện quản lý, vận hành miễn phí.
Theo tôi, nếu đề xuất này được triển khai xây dựng sẽ rất là tốt, đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, ngành điện đang thiếu vốn đề đầu tư hệ thống lưới điện. Ngoài ra, tại nhiều nơi, hệ thống lưới điện chưa đáp ứng được nên không giải tỏa được công suất của các nhà máy điện mặt trời.” ông Vượng nói.
Cũng theo nhận định từ lãnh đạo Bộ Công Thương, mặc dù công suất của các nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận không phải lớn, chỉ khoảng 600 MW trên tổng 5000 MW, tuy nhiên, hiện tại, hệ thống truyền tải cũng khó đáp ứng.
“Tôi cho rằng, nếu nhà đầu tư làm kịp thời gian trước 31/12/2020 và bàn giao miễn phí cho ngành điện lực, chúng ta hoàn toàn có thể xem xét để quyết định.” Thứ trường Hoàng Quốc Vượng thông tin.
Cần xác định rõ cơ chế doanh nghiệp cung cấp, nhà nước quản lý
Theo đánh giá của giới chuyên môn, Ninh Thuận là địa phương có lợi thế rất lớn trong việc phát triển năng lượng điện mặt trời. Nhiều khu vực tại địa phương, đất để hoang hóa, không thể sử dụng cho các mục đích khác. Do đó, thời gian vừa qua, đã có rất nhiều nhà đầu tư vào các dự án điện mặt trời tại đây.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã có Nghị quyết 115 cho phép áp dụng cơ chế giá 9,35 cent đến tổng công suất 2000 MW hoặc 31/12/2020, tùy theo tiêu chí nào tới trước. Hiện nay, tại tỉnh Ninh Thuận đã có gần 1200 MW điện mặt trời được đưa vào vận hành.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, sang năm 2020, dự kiến sẽ phải huy động hơn 10 tỷ kWh từ điện năng lượng mặt trời. Đây là một con số rất lớn, nếu không có các nhà máy điện mặt trời, việc cung ứng điện trong các năm tới có lẽ còn khó khăn hơn.
Quy định nhà nước độc quyền khâu truyền tải gây nhiều bất cập cho các nhà đầu tư
Tuy nhiên, hiện tại, vướng mắc nằm ở chỗ, Luật Điện lực quy định, việc truyền tải, phân phối, điều tiết điện là độc quyền nhà nước. Trong bối cảnh đường dây truyền tải không đáp ứng được sản lượng hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn tự làm hệ thống truyền tải để phục vụ cho dự án nhà máy điện của mình.
Trao đổi với Dân Việt, PGS. TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho hay, hiện nay, việc quy định nhà nước độc quyền truyền tải nhưng lại cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất điện gây nhiều bất cập.
“Luật không phù hợp thì cần phải sửa thôi, đấy là việc thông thường vì cuộc sống liên tục thay đổi còn luật cơ bản là đứng im. Hiện nay, ngành điện của chúng ta vướng mắc trong vấn đề truyền tải, kết nối, đấu nối.
Quy định nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện có thể gây nhiều bất cập. Khi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các nguồn điện, nhà nước lại không đủ năng lực để xây dựng các hệ thống truyền tải, kết nối.” ông Thiên phân tích.
Cũng theo PGS. TS. Trần Đình Thiên nhận định, doanh nghiệp xã hội hóa việc làm hệ thống truyền tải điện không khó. Quan trọng là có những cam kết dựa trên cơ sở Luật nhằm đảm bảo cơ chế độc quyền của nhà nước trong việc phân phối, điều tiết điện.
“Theo tôi, đây là việc rất đơn giản, doanh nghiệp không xâm phạm vào quyền điều hành, phân phối điện của nhà nước. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể xã hội hóa khâu xây dựng hệ thống truyền tải, vấn đề chính là cơ chế bồi hoàn lại như thế nào?
Để giải quyết vấn đề này, cần phải có những cam kết dựa trên cơ sở luật, không thể tự tung tự tác. Các cam kết nhằm làm rạch ròi 2 vấn đề, doanh nghiệp chỉ cung cấp hệ thống, việc điều tiết vẫn phải thuộc quyền quản lý của nhà nước.” PGS. TS. Trần Đình Thiên cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.