Bỏ độc quyền vàng miếng SJC và cơ hội "hồi sinh" của thương hiệu vàng các ngân hàng

Huyền Anh Thứ năm, ngày 28/03/2024 06:25 AM (GMT+7)
Bỏ độc quyền vàng miếng SJC là vấn đề đang được dư luận quan tâm. Theo dự kiến, trong tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành để nghe báo cáo về thị trường vàng.
Bình luận 0

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 23 ngày 20/3 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện ngay việc tổng kết thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý thị trường vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định. Việc này cần báo cáo trước ngày 22/3. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Đến thời điểm hiện tại, báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng và đề xuất các giải pháp đối với thị trường này trong thời gian tới chưa được công bố. Tuy nhiên, trên thị trường, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân gốc rễ khiến cho thị trường vàng "nóng, sốt", chênh lệch giá vàng cao lên tới 15 triệu - 18 triệu đồng/lượng là do cơ chế độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng được quy định trong Nghị định này. Do đó, nhiều chuyên gia đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC năm 2024.

Bỏ độc quyền vàng miếng SJC và cơ hội "hồi sinh" của thương hiệu vàng các ngân hàng- Ảnh 1.

Bỏ độc quyền vàng miếng SJC là vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Độc quyền vàng miếng SJC năm 2024: Độc quyền tạo giá trị ảo cho thương hiệu SJC

PGS TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong lĩnh vực kinh tế, nếu có một nhà độc quyền xuất hiện thì sẽ tạo nên 3 vấn đề.

Thứ nhất, tăng giá. Hai là, thủ tiêu cạnh tranh. Ba là, tình trạng đầu cơ lũng đoạn không chỉ trên thị trường mà cả chính sách.

"Đây là điều thực tiễn phát triển kinh tế các nước đã chỉ ra. Nếu bỏ được rào cản của độc quyền thì sẽ bỏ được tình trạng đầu cơ, tích trữ, tình trạng hạn chế cạnh tranh và đặc biệt là làm cho người mà tiêu dùng, người mua kim khí quý sẽ mua với đúng giá công bằng, thay vì giá quá cao và dẫn đến bị thiệt hại. Tôi nghĩ bỏ độc quyền vàng miếng SJC là phù hợp theo xu hướng tự do hóa, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng".

Khẳng định, Nghị định 24 đến nay đã hoàn thành khá tốt vai trò và sứ mệnh của mình trong 12 năm vừa qua, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Nghị định 24 cần sớm được sửa đổi.

Một trong 4 nhóm giải pháp được ông Lực nêu ra đó là, tăng lượng cung của vàng, để phù hợp với cái nhu cầu của người dân và các gia đình ở Việt Nam. Điều này được thực hiện bằng cách, NHNN cho phép một số doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, đủ tiêu chí đáp ứng điều kiện nhập khẩu vàng, thay vì chỉ một doanh nghiệp như hiện nay.

Nhóm giải pháp thứ 2 theo ông Lực đó là, bỏ đi thương hiệu quốc gia độc quyền SJC như trong thời gian vừa qua.

"Thực tế, thương hiệu vàng SJC cũng không khác nhiều so với các thương hiệu khác, nhưng rõ ràng là chênh lệch giá giữa thương hiệu này với thương hiệu khác là lớn, thậm chí lên tới 10 - 12 triệu đồng/lượng như thời gian vừa qua. Điều này tạo ra một giá trị ảo cho bản thân thương hiệu vàng SJC này", ông Lực cho hay.

Giải pháp đồng bộ khác cùng với việc bỏ độc quyền vàng miếng SJC, theo Kinh tế trưởng BIDV đó là phải cần phải tăng cường khâu cố kết hợp giữa NHNN với các cơ quan bộ, ngành khác nhau để kiểm tra, đánh giá, giám sát thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn nữa; Cần phải tăng cường hợp tác quốc tế để chống câu chuyện của buôn và đảm bảo cung cầu, từ đó giúp thị trường vàng liên thông tốt hơn nữa thời gian tới.

"Thời gian tới, chúng ta tháo gỡ được bốn điểm như vậy, thì về cơ bản là Nghị định 24 sẽ đáp ứng được cái yêu cầu vận hành, quản lý thị trường vàng tốt hơn trong thời gian tới", ông Lực nhấn mạnh.

Bỏ độc quyền vàng miếng SJC và cơ hội "hồi sinh" của thương hiệu vàng các ngân hàng- Ảnh 3.

Bỏ độc quyền vàng miếng SJC năm 2024, giá vàng có giảm?

Cơ hội nào cho các doanh nghiệp vàng và các ngân hàng?

Thực tế, bỏ độc quyền vàng miếng SJC năm 2024 cũng là mong mỏi nhiều năm qua của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải cho rằng, nếu bỏ độc quyền vàng, đầu tiên là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện theo các quy định của Nhà nước, có thể nhập khẩu vàng về để tập trung sản xuất trang sức. Khi đó sẽ giúp cho các doanh nghiệp yên tâm hơn trong việc đầu tư sản xuất trang sức, mỹ nghệ phục vụ khách hàng.

"Với việc tiếp cận nguồn nguyên liệu thì doanh nghiệp cũng sẽ an toàn hơn tránh được các rủi ro pháp lý khi mua nguyên liệu từ các nguồn trôi nổi", vị này chia sẻ.

TS Cấn Văn Lực cho rằng, cơ hội sẽ mở ra với các doanh nghiệp, song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể được Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng, mà phải đáp ứng được các điều kiện nhà quản lý đặt ra.

Được biết, ngoài các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng quen thuộc trên thị trường hiện nay như Bảo tín Minh Châu, Phú Nhuận, Bảo tín Mạnh Hải, Phú Quý,... ngân hàng cũng có các đơn vị trong lĩnh vực này. Chẳng hạn như Sacombank có Công Ty TNHH Một Thành Viên Vàng Bạc Đá Quý Ngân Hàng Sài Gòn Thương Tín. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, nên chấm dứt tình trạng "một mình một chợ", NHNN có thể cấp phép cho một số ngân hàng lập công ty con trực thuộc để tham gia sản xuất, kinh doanh vàng bạc. Điều này cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh hơn, thu hẹp chênh lệch giá mua bán trong nước.

Có quan điểm "lạ", TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng: "Dứt khoát nhà nước phải độc quyền nhập khẩu vàng. Nhà nước có thể ủy thác cho các ngân hàng thương mại, ủy thác cho các doanh nghiệp để nhập khẩu vàng. Nhà nước không can thiệp "bán cho ai, bán giá nào".

Bỏ độc quyền vàng miếng SJC năm 2024, giá vàng có giảm?

Liên quan đến vấn đề giá vàng, TS Cấn Văn Lực cho rằng khi bỏ độc quyền vàng miếng SJC năm 2024, giá vàng trong nước sẽ về sát với thế giới hơn. Bởi hiện nay nhu cầu đầu cơ vàng đã giả hơn trước rất nhiều, cơ bản chủ yếu là tích trữ, tích cóp và thừa kế.

"Do đó, tăng cung thì cung cầu về vàng cân bằng hơn, đương nhiên giá vàng sẽ giảm xuống, sẽ được điều tiết rất đáng kể và sát hơn so với quốc tế", ông Lực nhận định và lưu ý, chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa việc kiểm soát được câu chuyện về buôn bán lậu, và việc buôn bán, kinh doanh vàng giả.

Trước ý kiến cho rằng nếu bỏ độc quyền vàng miếng SJC sẽ giúp hạ giá thành vàng SJC, rút ngắn khoảng cách với các loại vàng khác, PGS TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, có nhiều yếu tố để chi phối đến mối quan hệ giữa giá trong nước với giá quốc tế và giá của các mặt hàng vàng, các thể loại khác nhau. Nếu bỏ được độc quyền vàng miếng SJC năm 2024, áp lực tăng giá của vàng cũng sẽ giảm, tuy nhiên để nói chắc chắn rằng giá vàng sẽ tăng hay giảm, theo ông Lạng là "không thể". Bởi giá vàng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cung cầu, nếu cung tăng nhưng cầu cũng tăng nhanh, chưa chắc giá đã giảm.

"Nhưng tôi cho rằng nếu như mình tăng nguồn cung qua một ngưỡng nhất định thì có thể dẫn đến giảm giá và đây là điều hay nhất, tức là chúng ta mở khả năng cung cấp lên, tăng đầu mối để nhập khẩu vàng, cho phép các nhà cung ứng vàng có thể được vận hành một cách tự do và bình đẳng", ông Lạng bổ sung.

Việc có độc quyền vàng miếng SJC năm 2024 nữa hay không sẽ tiếp tục được cơ quan quản lý cân nhắc và xem xét. Tuy nhiên, theo thông điệp được Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu ra hồi đầu năm, dù việc thay đổi có giữ nguyên sự độc quyền của SJC hay cho nhiều thương hiệu vàng miếng khác, mục tiêu vẫn là làm sao để thị trường này không ảnh hưởng tới môi trường vĩ mô, đảm bảo quyền lợi của hơn 100 triệu người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem