Bộ đội "gánh" lũ với dân

Thứ ba, ngày 19/10/2010 08:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - 2 cơn lũ dữ chồng lên nhau khiến người dân Quảng Bình đối mặt với bao khó khăn. Nhưng trong câu chuyện, họ vẫn luôn biết ơn và khâm phục các "chú bộ đội" đã “gánh” lũ với dân...
Bình luận 0
img
Các chiến sĩ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình cứu dân trong lũ. Ảnh: phương tú

Trắng đêm cứu dân

Đại tá Châu Tiến Dũng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình - kể: Ngay từ chiều 3-10 (bắt đầu của đợt lũ thứ nhất) trời mưa lớn không ngớt, nhận định tình hình sẽ xuất hiện lũ lớn, Bộ CHQS tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động 6 xuồng cao tốc cùng hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đến đóng quân tại xã Cảnh Hoá (Quảng Trạch) để sẵn sàng di dời, ứng cứu nhân dân.

Đúng như nhận định, chiều 4 -10, trời càng về tối mưa càng lớn, mực nước sông Gianh lên nhanh chóng mặt. Trong hành lang trụ sở UBND xã Cảnh Hoá, Đại tá Châu Tiến Dũng người ướt sũng nước, thi thoảng lại rọi đèn pin thấp thỏm nhìn con nước. "Tình hình này chắc chắn sẽ có lũ lớn, tất cả chuẩn bị phương tiện sẵn sàng cứu dân" - Đại tá Dũng ra lệnh.


 
img Cho đến ngày 18 -10, các đơn vị bộ đội (thuộc Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình) vẫn tiếp tục "cắm chốt" tại các địa bàn bị thiệt hại nặng cứu trợ, giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Tiến độ công việc được triển khai rất nhanh, cuộc sống của người dân vùng lũ đang hồi sinh nhờ bàn tay bộ đội. img

Đại tá Châu Tiến Dũng

Lũ về nhanh nên chỉ sau một đêm, các bản làng đã chìm trong nước, có chăng còn lại chỉ là những mái nhà lúp xúp, nửa chìm nửa nổi như dập dềnh giữa dòng sông. Gió vẫn thổi mạnh như muốn hất tung mọi người. Bám chặt lấy thành ca nô, Thiếu tá Trần Anh Tương - trợ lý Ban Công binh, Phòng Tham mưu Bộ CHQS tỉnh, mở toang khẩu độ, tiếng loa trộn lẫn tiếng gió: "Bà con ai còn mắc kẹt xin cho tín hiệu để đội cứu hộ xác định vị trí ứng cứu".

Ở đầu thôn, tiếng kêu cứu thảm thương vọng ra từ các hướng. Trên những nóc nhà, người già, trẻ nhỏ ngồi chụm vào nhau, co ro, thu nhỏ diện tích. Phía trước mặt, một cánh tay lật ngói, vẫy áo gọi xuồng... 8 chiến sĩ lập tức buộc dây vào thành xuồng cầm phao nhảy xuống dòng nước xiết. Hơn 30 phút vật lộn với lũ dữ, các anh đã tiếp cận di chuyển được 15 người mắc kẹt lên xuồng an toàn.

Về lại đi, 6 chiếc xuồng cao tốc của lực lượng cứu hộ hoạt động hết công suất trong đêm trắng. Mỗi lần cập bến an toàn là hàng chục sinh mạng được đưa ra từ những mái nhà ngập nước…

"Gánh" lũ với dân

Thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Đảng uỷ, Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình, hơn 100 cán bộ chiến sĩ LLVT tỉnh đã hành quân đến với Quảng Hải (Quảng Trạch) - một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của cơn lũ.

Có mặt trong đoàn quân, Trung sĩ Trương Quang Phượng, Đại đội 1, Tiểu đoàn 42, Trung đoàn 996 (người mà chỉ 2 ngày trước đã lao mình giữa vùng lũ xiết để cứu hơn 20 người dân các xã Phù Hóa, Quảng Tiên - PV), tâm sự: "Tận mắt chứng kiến mất mát, khó khăn của người dân vùng lũ Quảng Hải, mỗi người lính chúng tôi đều ý thức mình cần phải làm việc bằng 2, bằng 3 sức mình mới có thể làm vơi đi phần nào khó khăn của người dân".

Bà Trần Thị Liên, ở thôn Tân Đông, xã Quảng Hải, đi tránh lũ trở về ngồi thẫn thờ bên ngôi nhà xiêu vẹo đổ nát. Mưa lũ ập về bất ngờ trong đêm đã cuốn hết mọi thứ. Nhà bà Liên cũng là địa chỉ mà các chiến sĩ giúp đỡ đầu tiên. "Nếu không có các chú bộ đội giúp đỡ thì tui cũng buông xuôi mất" - bà Liên lau nước mắt.

Tại Trường THCS Quảng Hải, không khí lao động hết sức khẩn trương. Hầu hết sách vở, đồ dùng học tập của các em học sinh đã bị hư hỏng. Trên sân trường, trong các lớp học, bàn ghế nằm chỏng chơ. Nước lũ rút đi để lại lớp sình lầy đóng cặn, có chỗ dày trên 20cm. Các chiến sĩ lại lội giữa vũng lầy đến trên mắt cá, lần tay dưới bùn nhặt nhạnh những thước kẻ, com pa, ôm từng chồng sách… Nhìn các anh làm việc, chúng tôi mới cảm nhận phần nào trách nhiệm của các anh đối với công việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem