Nghi vấn về điểm thi THPT Quốc gia bất thường tại Hà Giang đã trở thành điểm nóng trong dư luận những ngày gần đây. Đặc biệt nhiều ý kiến cho rằng ông Vũ Văn Sử, giám đốc Sở GDĐT Hà Giang và Bộ GDĐT đã "phản ứng chậm" đối với thông tin từ phía dư luận. Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT đã chia sẻ về ý kiến này với Dân Việt.
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT.
Thưa ông, trong vụ việc điểm thi "bất thường" tại Hà Giang trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, ông nhận định ra sao về phản ứng có phần "lờ đi dư luận" của lãnh đạo Sở GDĐT Hà Giang?
- Sau khi vụ việc được dư luận đẩy lên cao trào, Bộ GDĐT đã có công văn, yêu cầu Sở GDĐT Hà Giang rà soát lại quy trình tổ chức thi bởi những điểm thi "bất thường" ở cụm thi này. Ngoài ra, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng đã trực tiếp lên Hà Giang để giám sát việc rà soát lại quy trình.
Theo cá nhân tôi, đây là phản ứng tích cực của Bộ GDĐT khi đã lắng nghe dư luận. Ngoài ra về phía Sở GDĐT, họ cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo từ phía Bộ GDĐT. Phát ngôn của ông Sử cho rằng sẽ không rà soát lại bài thi như ban đầu có lẽ vì chưa ý thức được tính nghiêm trọng của vụ việc này.
Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hà Giang.
Tới khi sự việc được dư luận đẩy lên cao trào, Bộ GDĐT mới "nhảy" vào cuộc bằng một công văn chỉ đạo sát ngày cuối tuần. Theo ông hành động này có bị coi là phản ứng chậm hay không?
- Quy trình để rà soát lại một kỳ thi không hề đơn giản. Mặc dù nhìn vào phổ điểm, không cần là những người có chuyên môn cũng có thể nhìn ra được sự bất thường của điểm thi. Thế nhưng như bao vụ việc trước đó, các cơ quan nhà nước làm việc phải có quy trình. Vấn đề chúng ta cần nhấn mạnh ở đây là có thể chậm, nhưng phải quyết liệt và đào sâu, tìm ra được gốc rễ của sai phạm nếu có.
Theo quy trình, sau khi Bộ GDĐT yêu cầu Sở GDĐT Hà Giang rà soát lại quy trình tổ chức thi. Sở phải chủ động trong việc thanh tra, rà soát và đưa ra kết luận. Khi đó thì thanh tra Bộ GDĐT mới "nhảy" vào và có khả năng sẽ phải huy động tới cả thanh tra nhà nước. Như vậy, cho dù dư luận có "sốt ruột", nhưng vẫn phải chờ cho tới khi có kết luận cuối cùng.
Tuy vậy, tôi thấy rằng Cục trưởng Cục quản lý chất lượng đã có mặt tại Hà Giang để hướng dẫn Sở làm việc, ngoài ra quá trình làm việc cũng rất khẩn trương như làm việc cả ngày nghỉ, tới đêm muộn. Vì thế có lẽ kết luận vụ việc sẽ sớm được công bố thôi.
Dễ nhìn thấy sự bất thường trong phổ điểm thi tại Hà Giang.
Nếu xảy ra sai phạm thì trách nhiệm sẽ thuộc về đơn vị, cá nhân nào thưa ông?
- Đây là một kỳ thi có quy mô trên cả nước, vì vậy chắc chắn nếu có sai phạm, Hà Giang sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, mà cụ thể cá nhân là Chủ tịch tỉnh Hà Giang. Bởi lẽ kỳ thi THPT không chỉ do một mình Sở GDĐT Hà Giang tổ chức mà nó còn liên quan tới rất nhiều các đơn vị khác trực thuộc tỉnh.
Nếu chúng ta có thể xử lý được gốc rễ của sai phạm (nếu có) thì đây chính là một tấm gương cho các địa phương khác.
Trong tương lai, để tránh lặp lại việc này, cần phải huy động một đội ngũ cực kỳ lớn đó chính là giám sát xã hội. Các tổ chức xã hội như báo chí, mặt trận Tổ quốc, đoàn thanh niên... đều có thể tham gia được vào việc giám sát kỳ thi chứ không thể để Sở GDĐT giám sát nội bộ như bây giờ nữa.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.