Bộ GD-ĐT “siết” tiêu chuẩn bổ nhiệm hiệu trưởng

Tùng Anh Thứ ba, ngày 06/02/2018 09:15 AM (GMT+7)
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư chuẩn hiệu trưởng phổ thông trong đó đưa ra 5 tiêu chuẩn và 21 tiêu chí quy định bắt buộc cho một hiệu trưởng chuẩn để lấy ý kiến dư luận.
Bình luận 0

Theo đó, hiệu trưởng chuẩn ngoài các tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp còn phải có các chuẩn mực lối sống ứng xử. Cụ thể là hiệu trưởng một trường phải đảm bảo được sự công bằng, bao dung, vị tha, tôn trọng người khác, trung thực, trách nhiệm với công việc, có lối sống lành mạnh, chân thành, giản dị, gần gũi với đồng nghiệp, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng.

Về nghiệp vụ, Bộ GD-ĐT cũng có yêu cầu khắt khe hơn. Ngoài chuyên môn vững vàng, am hiểu nghiệp vụ sư phạm, quản trị nhà trường, hiệu trưởng phải sử dụng được ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường.

img

Hiệu trưởng sẽ được đánh giá, nhận xét từ giáo viên, phụ huynh và cấp trên. (Ảnh minh họa: IT)

Hiệu trưởng phải tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường gồm: phân tích tình hình, mục tiêu, kết quả, hoạt động và điều kiện thực hiện phù hợp với bối cảnh cụ thể của nhà trường, của địa phương và định hướng của ngành giáo dục; đề xuất để tuyển dụng được giáo viên, nhân viên có phẩm chất và năng lực chuyên môn tốt; tạo được động lực, cơ hội phát triển năng lực nghề nghiệp thường xuyên cho giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

Hiệu trưởng phải chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong nhà trường hiệu quả, tạo điều kiện cho các chủ thể trong nhà trường tham gia, giám sát và có ý kiến về các hoạt động giáo dục; phải có năng lực phát triển các quan hệ xã hội bao gồm: quan hệ với cấp quản lí ngành, với cha mẹ học sinh, với chính quyền địa phương, với các cá nhân, tổ chức xã hội và biết cách thông tin tổ chức phản hồi từ các bên liên quan về hoạt động, kết quả giáo dục của nhà trường.

Điểm mới trong dự thảo là Hiệu trưởng sẽ được xếp loại, đánh giá kết quả làm việc hàng năm. Việc đánh giá, xếp loại phải dựa trên các nguồn ý kiến tự đánh giá của hiệu trưởng (điều này có hồ sơ minh chứng); ý kiến của tập thể giáo viên, nhân viên trong trường; ý kiến của cha mẹ học sinh, cộng đồng và ý kiến đánh giá, kết luận của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện ngành giáo dục có 42.000 cơ sở giáo dục công lập, tương đương có 42.000 cán bộ lãnh đạo cấp hiệu trưởng. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 đổi mới căn bản, mới xét thấy năng lực của đội ngũ hiệu trưởng rất có vấn đề.

Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT đã xây dựng chuẩn hiệu trưởng tương xứng với việc đổi mới căn bản giáo dục. Bộ cũng yêu cầu các địa phương khi đề bạt cán bộ vào vị trí hiệu trưởng cần phải căn cứ vào chuẩn này và bồi dưỡng cũng theo chuẩn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem