Bộ GDĐT thống nhất khai giảng năm học mới trên cả nước vào ngày 5/9
Bộ GDĐT thống nhất khai giảng năm học mới trên cả nước vào ngày 5/9
Hà My
Thứ ba, ngày 25/08/2020 08:22 AM (GMT+7)
Đối với những địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, để bảo đảm an toàn cho học sinh, các cơ sở giáo dục tổ chức lễ khai giảng theo hình thức trực tuyến.
Ngày 24/8, Bộ GDĐT đã có chỉ đạo cụ thể đối với công tác tổ chức khai giảng năm học mới trên cả nước. Theo đó, đối với những địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, để bảo đảm an toàn cho học sinh, các cơ sở giáo dục tổ chức lễ khai giảng theo hình thức trực tuyến.
Bộ GDĐT lưu ý, các trường tổ chức khai giảng phù hợp, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - ngày hội Toàn dân đưa trẻ đến trường. Cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động đón học sinh đầu cấp học, phổ biến nội quy, quy định của nhà trường cũng như giới thiệu các hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp học tập và rèn luyện ở trường, lớp.
Giám đốc Sở GDĐT các tỉnh, TP rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn trình độ đào tạo, đặc biệt là giáo viên dạy lớp 1.
Tại Hà Nội, Sở GDĐT đã ban hành kế hoạch năm học 2020 - 2021. Theo đó, ngày 1/9 toàn bộ học sinh sẽ tựu trường, ngày 5/9 sẽ tổ chức lễ khai giảng năm học mới.
Tại TP. HCM, Sở GDĐT đã đề xuất UBND 2 phương án tổ chức lễ khai giảng. Phương án 1: Vẫn tập trung đầy đủ học sinh các khối lớp tham dự lễ. Phương án này khó có thể đảm bảo việc giãn cách (mỗi trường có từ 1.000 đến khoảng 4.000 học sinh).
Phương án 2: Tập trung đại diện học sinh các khối lớp tham dự lễ; mỗi lớp từ 10 đến 20 học sinh (riêng học sinh các lớp đầu cấp dự đầy đủ). Phương án này phần nào thực hiện được quy định giãn cách nhưng ảnh hưởng đến tinh thần của các em học sinh không được dự khai giảng năm học mới.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT cho biết có nhiều phương án linh hoạt để tổ chức khai giảng, ví dụ trường có sân rộng có thể cử đại diện một số lớp thực hiện ở sân trường nhưng phải đảm bảo khoảng cách, trong trường hợp này ưu tiên các em học sinh đầu cấp để các em được dự lễ khai giảng trong ngôi trường mới. Trong điều kiện sân trường không đủ rộng, có thể cho học sinh khai giang tại lớp học giống như trước đây Bộ đã có hướng dẫn chào cờ trong lớp học.
Băn khoăn tổ chức học trực tuyến
Trước đó, Bộ GDĐT công bố dự thảo Quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên để lấy ý kiến. Theo đó, dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp trong trường hợp học sinh không thể đến trường.
Trước thông tin này, nhiều cơ sở giáo dục đã lên kế hoạch để đảm bảo thực hiện việc dạy học trực tuyến trong tình thế bắt buộc. Tuy nhiên, cũng có những giáo viên lo lắng trong việc đảm bảo chất lượng giảng dạy trực tuyến, đặc biệt là đối với học sinh lớp 1.
Hiệu trưởng trường THCS&THPT Marie Curie Nguyễn Xuân Khang (Hà Nội) cho biết, nhà trường đã lên 2 phương án cụ thể. Phương án đầu tiên là học sinh học tập bình thường; Phương án thứ hai là phải giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16, học sinh không thể đến trường sẽ học trực tuyến.
"Hiện tại nhà trường đã có cơ sở hạ tầng học trực tuyến nhờ thời gian dạy trực tuyến trước đấy, giáo viên, học sinh cũng đã quen với việc học online" - thầy Khang cho hay.
Tuy nhiên Hiệu trưởng trường THCS&THPT Marie Curie cũng bày tỏ lo lắng về việc học sinh lớp 1 sẽ gặp khó khăn nếu nhà trường phải dạy học trực tuyến hoàn toàn. Nguyên do vì học sinh lớp 1 còn nhiều bỡ ngỡ với nề nếp, môi trường học tập, việc triển khai học trực tuyến khá khó khăn.
Cô Bùi Thu Hương giáo viên trường TH T.S, (TP. Thanh Hóa) cũng có chung băn khoăn kể trên. Cô Hương cho biết học sinh lớp 1 cần có sự kèm cặp, uốn nắn và chỉ bảo trực tiếp từ các thầy, cô giáo để các em dần quen với môi trường học tập cũng như hình thành nề nếp. "Việc này chỉ có thể đảm bảo thực hiện tốt nếu các giáo viên được trực tiếp chăm sóc, giảng dạy các em. Đối với học sinh lớp 1 việc học trực tuyến là khá khó khăn bởi các em chưa quen với việc học ở trường, thì việc tự học càng khó hơn nữa. Tôi nghĩ nếu trong tình thế bắt buộc phải dạy trực tuyến lớp 1 thì cần phải điều chỉnh kế hoạch năm học cho phù hợp hơn nữa" - cô Hương bày tỏ.
Bên cạnh đó, vẫn còn những bất cập của việc tổ chức dạy học trực tuyến như việc học chưa thực sự nghiêm túc tại nhà của học sinh, nhiều gia đình bố mẹ còn trả lời thay câu hỏi cho các em, có những em lại vừa ăn vừa học, nói tự do trong lớp. Việc phụ huynh chưa phối hợp tốt với giáo viên để triển khai việc học cho học sinh cũng ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng của việc giảng dạy trực tuyến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.