Ngày 7/11/2019, tại Hà Nội, Báo Đầu tư đã tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam”.
Sandbox trong kinh tế chia sẻ là cái nôi cho các ý tưởng mới
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.
Nhằm cụ thể hóa nhận thức và hành động, mới đây nhất, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.
Toàn cảnh tọa đàm
Nghị quyết 52 đã xác định mục tiêu tổng quát là: "Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái."
Để làm điều đó, Nghị quyết 52 cũng chỉ rõ "Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quy định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm. Nghiên cứu, xây dựng các khu thử nghiệm dành cho doanh nghiệp công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới. Thực hiện định danh, công nhận, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Ông Lê Trọng Minh cho biết, việc đổi mới tư duy quản lý kinh tế, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế phù hợp, đặc biệt với những ngành kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, Fintech,… đòi hỏi những giải pháp quyết liệt từ tạo lập khung khổ chính sách tới hành động của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó tư duy chấp nhận những cái mới chưa có tiền lệ là quan trọng nhất.
"Đây không chỉ là yêu cầu riêng tại Việt Nam, mà với kinh nghiệm thực tế trên thế giới, khái niệm "điều chỉnh thử nghiệm - regulatory sandbox" đã được hơn 30 nước sử dụng sau khi ra đời tại Vương quốc Anh năm 2015. Thực tế đã chứng minh rằng, sandbox là cái nôi để cho các ý tưởng mới, các công nghệ mới có dư địa phát triển, các doanh nghiệp startup rất cần một môi trường như vậy".
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư
Đồng quan điểm, nhiều diễn giả cũng phải thừa nhận, Sandbox là công cụ để để sáng tạo. Sandbox cho phép chúng ta thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo khi chưa có các quy định chính thức được ban hành, khi chưa rõ quy định cụ thể nào sẽ áp dụng.
Việc thử nghiệm nhằm giúp tìm hiểu cần xây dựng quy định gì và áp dụng đối với đối tượng nào để phù hợp với thực tiễn phát triển và hỗ trợ cho sự sáng tạo, đổi mới. Điều này giúp các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, cạnh tranh để dẫn dắt trong lĩnh vực kinh doanh nghiệp vụ của mình.
Lý do chúng ta cần áp dụng Sandbox cho chuyển đổi số là vì các quy định đã hình thành trong một thời gian dài, để điều chỉnh các mô hình kinh doanh cũ được phát triển dựa trên các công nghệ đã được phát minh trước đây, rất khó để giới thiệu những mô hình kinh doanh mới, có tính đột phá, mà vẫn tuân thủ các quy định pháp lý có tính ràng buộc cao như hiện nay.
Bộ Giao thông Vận tải từ chối áp dụng nền kinh tế chia sẻ?
Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, ông Nguyễn Hoa Cương, Tổ trưởng Tổ chuyên trách đề án Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, kinh tế chia sẻ đặt ra nhiều vấn đề và có rất nhiều quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan. Đầu tiên là người tiêu dùng có được lợi không. Thứ hai là bản thân doanh nghiệp có được lợi không, nhà nước có lợi gì và cuối cùng là tổng thể được lợi gì?
Ông Nguyễn Hoa Cương, Tổ trưởng Tổ chuyên trách đề án Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
“Trong quá trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án về kinh tế chia sẻ, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến trong đó có một ý kiến rất đặc biệt của bộ Giao thông vân tải. Theo đó, tất cả các Bộ khác đều cơ bản nhất trí với đề án này, riêng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đề án hợp lý nhưng đề nghị không áp dụng nền kinh tế chia sẻ đối với giao thông vận tải”, ông Cương thông tin.
Ông Cương đặt câu hỏi, “Xét về mặt logic học thuật, không biết tại sao Bộ Giao thông Vận tải lại không áp dụng. Do Bộ Giao thông Vận tải siêu việt hơn các Bộ khác để có thể đưa ra một đề nghị như vậy?”. Theo vị này, có những câu hỏi cụ thể cần phải làm rõ trong đề nghị Bộ Giao thông Vận tải. Đó là, trong đề nghị đó bao nhiêu phần trăm ý kiến là vì lợi ích của người dân, bao nhiêu phần trăm ý kiến là lợi ích của doanh nghiệp, của Bộ Giao thông Vận tải và bao nhiêu phần trăm là vì lợi ích tổng thể nền kinh tế?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.