Tại phiên thảo luận tổ về hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật Dữ liệu. trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 mới đây, một số ĐBQH đã đề nghị bỏ giấy chuyển tuyến trong khám chữa bệnh BHYT.
Về ý kiến này, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế khẳng định: "Bỏ giấy chuyển tuyến trong khám chữa bệnh BHYT sẽ khiến chất lượng y tế giảm sút".
PV: Việc phân chia các tuyến y tế để điều trị bệnh để làm gì thưa bà?
Bà Trần Thị Trang: Hầu hết các nước trên thế giới đều có quy định về đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến. Một số nước có hệ thống bác sĩ gia đình, còn đa số các nước có cơ sở khám chữa bệnh ban đầu.
Tương tự như Việt Nam, trừ cấp cứu, người bệnh sẽ "đi lên" từ cơ sở khám chữa bệnh ban đầu. Nơi đây, người bệnh đăng ký để quản lý sức khỏe, được chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám và điều trị các bệnh nhẹ mà tuyến dưới có thể điều trị được. Tuyến dưới sẽ sàng lọc bệnh nặng, vượt quá khả năng điều trị của tuyến dưới để chuyển lên tuyến trên.
Điều này giúp ổn định hệ thống, phân bổ hiệu quả vấn đề điều trị cũng như để đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh.
PV: Nếu người bệnh tự động "phá rào" vượt lên tuyến trên để điều trị sẽ thế nào thưa bà?
- Nếu người dân tự đi khám chữa bệnh ở tuyến trên thì sẽ quá tải. Cả bệnh thông thường, bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo đều vượt lên tuyến trên thì chính những người bệnh nặng, hiểm nghèo sẽ bị ảnh hưởng. Họ sẽ phải chờ đợi khám, xếp lịch lâu hơn...
Bác sĩ quá tải công việc chắc chắn sẽ dẫn đến mệt mỏi, dễ dẫn đến sai lầm trong điều trị, tai biến y khoa sẽ cao hơn, chất lượng khám chữa bệnh sẽ suy giảm.
Ngoài ra, người bệnh nhẹ cũng lên tuyến trên thì người bệnh vừa mất thời gian vừa làm tăng chi phí xã hội, chi phí đi lại, làm tăng chi của quỹ BHYT. Hiện các quốc gia đều thực hiện cơ chế chuyển tuyến.
PV: Tuy nhiên, nhiều người dân phàn nàn rằng thủ tục chuyển tuyến phiền hà khiến họ phải "xin" rất mệt mỏi và nhiều khi không cần thiết?
- Trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT - đang được trình Quốc hội đã có những thay đổi để loại bỏ các thủ tục phiền hà trong chuyển tuyến đối với người bệnh BHYT. Tuy nhiên, những yêu cầu chuyên môn vẫn phải giữ lại để ổn định hệ thống cũng như đảm bảo quyền lợi của người dân và cân đối quỹ BHYT.
Đơn cử, với một số bệnh như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh có kỹ thuật chuyên môn cao, kỹ thuật mới, tuyến dưới chưa có khả năng làm được ngay trong thời điểm nhất định, người bệnh được phép lên cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn mà không cần giấy chuyển tuyến.
Bộ Y tế sẽ quy định danh mục các bệnh không cần giấy chuyển tuyến này. Danh mục này không cố định mà được điều chỉnh tùy giai đoạn. Còn lại, các bệnh nhân khám BHYT nếu muốn được BHYT thanh toán vẫn cần phải có giấy chuyển tuyến mới được lên tuyến trên điều trị.
Hay như trước đây, cứ đến ngày 31/12 trong năm, người bệnh phải vội vã đi lấy giấy chuyển tuyến của cả năm thì dự thảo sửa đổi lần này sẽ điều chỉnh theo hướng bất cứ thời điểm nào người bệnh có nhu cầu chuyển tuyến thì được cấp giấy chuyển tuyến...
PV: Xin cảm ơn bà!
Về ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ giấy chuyển tuyến trong khám chữa bệnh BHYT, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến trong trong trường hợp khám cấp ban đầu, cấp cơ bản. Còn từ cấp ban đầu lên cấp chuyên sâu nên có giấy chuyển tuyến.
"Mình cứ nghĩ giấy chuyển tuyến phiền phức nhưng nó rất cần thiết trong ngành y. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến thì bệnh nhân không khám ở trạm y tế và bệnh viện huyện nữa mà lên thẳng lên bệnh viện tuyến chuyên sâu như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức…", đại biểu Thức nói.
Theo ông, nếu làm như vậy thì hệ thống y tế cơ sở chỉ 1-2 năm là bị triệt tiêu và chủ trương phát triển, củng cố hệ thống y tế cơ sở không thực hiện được. Trong khi đó, Covid-19 đã cho thấy hệ thống y tế cơ sở có vai trò quan trọng.
"Bỏ giấy chuyển tuyến rất nguy hiểm", Thứ trưởng Bộ Y tế nói và khẳng định giấy chuyển tuyến có vai trò rất quan trọng, là tóm tắt bệnh án, rất có giá trị cho chẩn đoán ở cấp chuyên sâu.
Nghiên cứu kinh nghiệm như ở Mỹ, một bác sĩ chỉ khám cho 20 ca bệnh/ngày; một bác sĩ thực hiện các ca mổ đặc biệt chỉ mổ được 1 ca/ngày, mỗi ca kéo dài 6-8 tiếng, nếu mổ thêm ca thứ 2 nguy cơ tai biến với bệnh nhân sẽ rất cao. Do vậy phải khống chế lượng khám chữa bệnh của mỗi bác sĩ/ngày.
Tuy nhiên nếu bỏ phiếu chuyển tuyến, bệnh nhân bệnh nhẹ lẫn nặng sẽ ùn ùn lên tuyến chuyên sâu, bỏ tuyến cơ sở. Điều này sẽ gây áp lực lớn cho các bác sĩ tuyến chuyên sâu, có nguy cơ "vỡ trận".
"Trước đây, một bác sĩ mỗi ngày khám khoảng 20 bệnh nhân, giờ khoảng 200 bệnh nhân ngồi chờ thì không bác sĩ nào khám nổi. Lúc đó sẽ vỡ trận. Hai hậu quả trước mắt là triệt tiêu y tế cơ sở và vỡ trận ở y tế chuyên sâu. Đó là điều chắc chắn ai cũng thấy", đại biểu Nguyễn Tri Thức nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.