Bô GTVT cho rằng việc xin cấp phép thêm các hãng hàng không sẽ tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường, điều này sẽ giúp người tiêu dùng hưởng lợi. Ảnh: Anh Quân
Theo thông cáo được Bộ GTVT phát đi chiều 6-4, Vietstar Airlines là hãng hàng không đã được cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại từ ngày 16-6-2011. Sau khi được cấp phép, công ty đã cung cấp các dịch vụ hàng không chung phục vụ kinh tế, xã hội và du lịch.... Đến nay, công ty có nhu cầu mở rộng loại hình hoạt động sang cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không.
Tháng 8-2015, Vietstar Airlines đã trình hồ sơ xin cấp giấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Căn cứ trên quy hoạch hàng không và các văn bản pháp lý có liên quan và quy định tại Nghị định số 30/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, Bộ GTVT cho rằng hồ sơ xin cấp giấy phép của Vietstar Airlines cơ bản đã đáp ứng điều kiện để xem xét cấp giấy phép.
Bộ GTVT cho biết, khi thẩm định hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam đã dựa vào giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp thay cho văn bản xác nhận vốn. Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị doanh nghiệp bổ sung văn bản xác nhận vốn để phù hợp với Nghị định 30 theo ý kiến của Bộ Tài chính.
Đến tháng 2-2016, Vietstar Airlines đã hoàn thiện và trình lại hồ sơ xin cấp giấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không, trong đó, đã nộp bổ sung báo cáo tài chính đã kiểm toán đến ngày 31-12-2015.
Do vậy, Bộ GTVT đã trình Chính phủ về việc cấp giấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietstar Airlines, trong đó có báo cáo Chính phủ cho phép sử dụng Báo cáo tài chính đã được kiểm toán thay thế văn bản xác nhận vốn. Đến nay, Văn phòng Chính phủ đang chờ ý kiến của Bộ Tài chính về văn bản xác nhận vốn trước ngày 15-4.
Liên quan đến vấn đề được dư luận đề cập rằng vốn chủ sở hữu của Vietstar Airlines mới chỉ đạt 652,7 tỉ đồng, trong khi quy định vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không là 700 tỉ đồng, Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Vietstar Airlines, thực tế nguồn vốn góp của chủ sở hữu đã đủ 700 tỉ đồng. Tuy nhiên, do công ty này đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu, toàn bộ hoạt động đầu tư được dùng từ nguồn vốn góp và chưa có doanh thu nên lợi nhuận chưa phân phối đang âm 47,3 tỉ đồng.
Theo quy định về trình tự, thủ tục để được cấp giấy phép tại Điều 14 Nghị định 30, nếu được Chính phủ đồng ý, doanh nghiệp còn có 6 tháng để hoàn thiện thủ tục xin cấp giấy phép và bổ sung hồ sơ xin cấp giấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không để Bộ GTVT xem xét, cấp giấy phép chính thức.
Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ xem xét, chấp thuận việc cấp giấy phép cho Vietstar Airlines và chỉ cấp giấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không chính thức khi doanh nghiệp đã đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định 30.
Trước đó, dư luận từng xôn xao việc doanh nghiệp này đăng tải trên website tự nhận là doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Sau đó Bộ Quốc phòng lên tiếng khẳng định đây không phải doanh nghiệp thuộc bộ thì doanh nghiệp này đã sửa lại phần giới thiệu trên website rằng họ là đơn vị kinh tế liên doanh, liên kết với Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc phòng.
Theo kế hoạch kinh doanh mà Vietstar Airlines báo cáo Bộ GTVT về đội bay của mình trong giai đoạn 5 năm đầu hoạt động, hãng dự kiến khai thác đội tàu bay gồm 3 chiếc Boeing 737 hoặc Airbus 320. Hãng cũng đã xuất trình thỏa thuận thuê ba tàu bay Boeing 737 với một công ty cho thuê máy bay.
Mục tiêu của hãng này trong giai đoạn 5 năm đầu là khai thác đường bay trục nội địa Bắc - Nam, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Định hướng của Vietstar Airlines là hãng hàng không vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.
Lê Anh (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.