Bộ GTVT quyết giữ quy định người dân bật đèn xe vào ban ngày
Bộ GTVT quyết giữ quy định người dân bật đèn xe vào ban ngày
Thế Anh
Thứ tư, ngày 27/05/2020 13:57 PM (GMT+7)
"Việc bật đèn xe vào ban ngày, cần nghiên cứu, giải thích rõ với nhân dân về việc đèn nhận diện ban ngày tránh tình trạng người dân hiểu là đèn pha, cốt như hiện nay", đó là nội dung được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
Tại buổi họp về xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã lắng nghe báo cáo tiếp thu, giải trình của Vụ Pháp chế và ý kiến phát biểu của các thành viên dự họp.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể gửi lới cảm ơn tới các chuyên gia trong và ngoài ngành, các cơ quan báo chí, các đồng chí phóng viên, các Hiệp hội và nhân dân đã hết sức quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến phản biện, góp ý hoàn thiện đối với dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Đáng chú ý, đối với những nội dung được dư luận quan tâm, còn đang gây ra nhiều tranh cãi, ý kiến trái chiều, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị liên quan cấn nghiên cứu kỹ hơn, làm rõ các nội dung để giải thích cho người dân dễ hiểu.
Cụ thể, quy định đèn xanh không vào nút giao khi có ùn tắc, xung đột giao thông đang bị người dân phản ứng, Bộ trưởng Nguyễn Thể yêu cầu cần nghiên cứu làm rõ hơn, định nghĩa rõ hơn các tình huống để nhân dân hiểu, dễ dàng chấp hành; Nghiên cứu đồng bộ với các giải pháp công nghệ để điều hành, tổ chức giao thông đảm bảo khách quan, tiện lợi.
Đối với đề xuất bật đèn xe nhận diện ban ngày, Bộ GTVT cho biết, hiện nay, hầu hết các nước tiên tiến đã áp dụng và ngay trong các nước Đông Nam Á cũng đã quy định hoặc đưa vào Luật; hiện chỉ còn 4 nước bao gồm: Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam.
Đây là biện pháp nhằm tăng cường tính phát hiện phương tiện khi đi đối diện hoặc tại các vị trí khuất tầm nhìn, hiệu quả của giải pháp này đã được chứng minh trên cơ sở khoa học. "Cần nghiên cứu, giải thích rõ với nhân dân về việc đèn nhận diện ban ngày tránh tình trạng người dân hiểu là đèn Pha, cốt như hiện nay. Đây là cơ sở pháp lý để các nhà sản xuất, đơn vị lắp ráp, nhập khẩu mô tô, xe gắn máy phải đưa vào tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh", Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
Bên cạnh đó, tuyệt đối phải cắt giảm các thủ tục hành chính làm phát sinh các "giấy phép con" không cần thiết. Đảm bảo việc thuận tiện cho các doanh nghiệp hoạt động trên nguyên tắc an toàn, trách nhiệm, cung ứng dịch vụ vận tải tiện ích, chất lượng cho người dân.
Được biết, dự thảo Luật Giao thông đường bộ có quy định yêu cầu bật đèn chiếu sáng xe máy ngay cả khi di chuyển vào ban ngày gây không ít tranh cãi trong dư luận. Chi tiết của quy định này như sau: Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau (Khoản 3, Điều 27).
Theo các chuyên gia đánh giá, đèn chiếu sáng ban ngày DRL (Daytime Running Light) là loại đèn nhằm tăng khả năng nhận biết các phương tiện khi tham gia lưu thông trên đường. Quy định trang bị đèn DRL xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 2/2011 tại các nước châu Âu. Tới nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng bật đèn ban ngày khi vận hành xe.
Về cơ bản khi vận hành xe máy hay ôtô vào ban ngày, đèn DRL hay cả đèn chiếu sáng gần, đèn pha đều không có tác dụng chiếu sáng. Việc bật đèn này nhắm mục đích chính là tăng khả năng nhận diện của xe bởi các phương tiện giao thông khác, qua đó giảm tai nạn giao thông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.