Bộ GTVT thông tin "nóng" về giải ngân vốn đầu tư công
Bộ GTVT thông tin "nóng" về giải ngân vốn đầu tư công
Thế Anh
Thứ bảy, ngày 07/01/2023 14:53 PM (GMT+7)
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là hoàn thành nhiệm vụ của ngành giao thông mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Bộ GTVT vừa thông tin về tình hình giải ngân vốn đầu tư trong năm 2022 vừa qua. Cụ thể, Bộ GTVT đã khẩn trương rà soát, phân bổ và giao chi tiết kế hoạch cho các nhiệm vụ, dự án đúng quy định, phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát không để dàn trải, manh mún, kéo dài; gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc bảo đảm tiến độ và chất lượng giải ngân.
Đối với phần vốn được giao cần giải ngân, Bộ GTVT cho biết, Bộ này đã giải ngân khoảng 47.905 tỷ đồng, đạt 87% kế hoạch bổ sung, dự kiến đến hết tháng 1/2023 sẽ phấn đấu giải ngân 97% vốn ngân sách nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao.
Để đạt được các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho đất nước, Bộ GTVT tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời, Bộ GTVT huy động tối đa các nguồn lực của xã hội phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa, hợp lý giữa các vùng động lực và vùng khó khăn, lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; kết nối vùng, kết nối các loại hình giao thông.
Bộ GTVT phấn đấu giải ngân toàn bộ nguồn vốn bố trí trong kế hoạch 2023 lên tới 94.161 tỷ đồng, cao gấp 1,7 lần kế hoạch năm 2022 và đây được coi là thách thức rất lớn đối với ngành giao thông.
Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ giải ngân và tiến độ dự án của Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: "Kết quả giải ngân của ngành giao thông đóng góp rất quan trọng đối với tăng trưởng của nền kinh tế".
Với những gì mà Bộ GTVT đã làm được trong năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: "Các đơn vị không được phép bằng lòng, tự mãn".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, những dự án lớn phải phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch. Riêng với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 khởi công xong, khi tiền đã có đủ, các địa phương cũng phải cố gắng giải phóng mặt bằng càng nhiều, càng nhanh, càng sớm, càng tốt.
Bộ trưởng Thắng khẳng định: "Các địa phương nào có được lòng tin, Bộ GTVT tiếp tục giao tiếp các dự án mới. Những địa phương 'đuối' sẽ không có được điều đó đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền nhưng có nơi có chỗ, nơi nào tập trung làm tốt thì phân cấp".
Đến nay, Bộ GTVT đã đồng loạt khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 trọng điểm quốc gia. Cùng với đó là 9 dự án thành phần đoạn 1 đang gấp rút hoàn thành, đại dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ được nối thông vào năm 2025.
Sau khi đại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 hoàn thành kết nối liên thông giữa 11 dự án thành phần giai đoạn 1 và 12 dự án thành phần giai đoạn vừa khởi công sẽ tạo ra tuyến cao tốc dài gần 1.500 km liền mạch từ nam ra bắc.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp bất thường lần thứ nhất (Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022).
Theo Bộ GTVT, tuyến cao tốc Bắc - Nam đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km trải dài từ cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn tới Cà Mau. Đến nay, dự án cơ bản đảm bảo tiến độ theo kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ.
Trong thời gian vừa qua, sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT, các cơ quan trực thuộc bộ, các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư, tích cực triển khai thực hiện với nỗ lực lớn nhất, tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Công tác thiết kế, tối ưu hoá phát huy tối đã của đường cao tốc, chống lãng phí tiêu cực trong các khâu thực hiện. Công tác lựa chọn nhà thầu thi công diễn ra công khai minh bạch. Về công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương cũng coi đây là nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.