Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Vay vốn TQ thì phải chấp nhận nhà thầu TQ

Thứ sáu, ngày 26/05/2017 09:49 AM (GMT+7)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa thông tin về lý do nhà thầu Trung Quốc trúng thầu ở nhiều dự án quan trọng tại Việt Nam. Trong đó, một số dự án mà quá trình thực hiện, công trình thi công chậm tiến độ, chất lượng sau khi hoàn thành không cao, xuống cấp nhanh sau khi hết hạn bảo hành...
Bình luận 0

img

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, điển hình hóa của dự án chậm tiến độ, đội lên vốn lớn so với ban đầu khi Việt Nam vay vốn Trung Quốc và có tổng thầu Trung Quốc (ảnh minh hoạ)

Do "hạn chế năng lực và kinh nghiệm..."

Bộ KH&ĐT chỉ rõ các nguyên nhân: Nhà thầu Trung Quốc trúng thầu là do Việt Nam sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Vay vốn Trung Quốc thì Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu như một điều kiện vay. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhà thầu Trung Quốc trúng thầu nhiều ở Việt Nam.

Bộ KH&ĐT xác định: Chất lượng lập, phê duyệt dự án của Việt Nam còn thấp, chưa xác định được một cách tương đối chính xác về công nghệ, khối lượng cũng như tổng mức đầu tư của dự án dẫn đến phát sinh khối lượng khi thực hiện.

Phê duyệt tổng mức đầu tư thấp dẫn đến các nhà thầu chào công nghệ tiên tiến, xuất xứ từ các quốc gia phát triển đều không trúng thầu do vượt tổng mức đầu tư.

Chất lượng công tác lập hồ sơ mời thầu của các chủ đầu tư còn yếu, chưa đưa ra được rào cản kỹ thuật để loại nhà thầu không đảm bảo chất lượng từ Trung Quốc.

Để khắc phục tình trạng này, theo Bộ KH&ĐT, trước tiên cần tự chủ được nguồn lực tài chính, thu hút vốn đầu tư tư nhân, nước ngoài; tăng cường các dự án PPP (hợp tác công tư - BOT, BTO, BT); nâng cao chất lượng lập, phê duyệt dự án, đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án.

Hiện các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các dự án trọng điểm tại nước ta nhưng triển khai chậm, thi công kém chất lượng gây lãng phí, bức xúc trong nhân dân (như dự án sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông...).

Chính vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị Bộ và các cơ quan Chính phủ có biện pháp chặt chẽ, quyết liệt để khắc phục tình trạng trên; nghiên cứu, cân nhắc việc vay vốn ODA của Trung Quốc để đầu tư xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; đề nghị nghiên cứu xem xét khi đấu thầu, chọn thầu, không vì giá rẻ mà chọn nhà thầu như Trung Quốc.

Bộ KH&ĐT khẳng định: Luật Đấu thầu không quy định chọn thầu theo giá rẻ mà chỉ quy định những nhà thầu đã được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật mới được xem xét, xác định giá đánh giá. Nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, có giá đánh giá thấp nhất mới được xem xét, đề nghị trúng thầu.

Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực, kinh nghiệm nên trong hồ sơ mời thầu, các chủ đầu tư Việt Nam chưa đưa ra được rào cản kỹ thuật để loại bỏ những hàng hóa có chất lượng thấp; chưa đưa ra được công thức xác định giá đánh giá phù hợp nhằm lựa chọn được các nhà thầu có thực lực, có kỹ thuật tốt.

Sẽ loại nhà thầu có lịch sử “chây ỳ”!?

Để nhằm hạn chế và dần khắc phục tình trạng trên, Bộ KH&ĐT khẳng định, Việt Nam phải tự chủ về vốn, tránh việc vay vốn Trung Quốc quá nhiều. Người có thẩm quyền, chủ đầu tư phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực trong việc tổ chức lập, phê duyệt dự án, đặc biệt là những dự án, gói thầu phải tổ chức đấu thầu quốc tế, trong đó tổng mức đầu tư của dự án phải phù hợp với công nghệ và xuất xứ của hàng hóa, thiết bị mong muốn.

Đặc biệt phải quy định nội dung đánh giá về uy tín của nhà thầu trong việc thực hiện các hợp đồng trước đó. Theo đó, trường hợp nhà thầu tham dự thầu đã có lịch sử không hoàn thành hợp đồng thì sẽ bị đánh giá là không bảo đảm uy tín và hồ sơ dự thầu của nhà thầu sẽ bị loại.

Về kiến nghị nghiên cứu, cân nhắc việc vay vốn ODA của Trung Quốc để đầu tư xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Bộ KH&ĐT khẳng định chưa nhận được đề xuất này.

Bộ KH&ĐT thông tin thêm tháng 3/2016, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sử dụng khoản tín dụng ưu đãi bên mua 300 triệu USD của Trung Quốc để đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Tháng 7/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước mắt chưa sử dụng khoản tín dụng ưu đãi 300 triệu USD nêu trên cho dự án và kiến nghị tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để có được điều kiện vay ưu đãi hơn.

Cuối tháng 12/2016, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để huy động vốn và triển khai đầu tư đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ninh chưa đề xuất vay vốn ODA Trung Quốc để đầu tư xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Được biết, UBND tỉnh Quảng Ninh hiện đã có quyết không vay vốn Trung Quốc để làm đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái mà chọn các liên doanh trong nước làm chủ đầu tư dự án sau khi có quyết định của Chính phủ giao tỉnh này có thẩm quyền huy động vốn, triển khai dự án như đã nêu trên.

Nguyễn Tuyền (Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem