Lê Xuân Bách (sinh năm 1992) đến từ Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ là một trong 2 thí sinh được tuyển thẳng vào Học viện Bưu chính Viễn thông năm 2014. Ngoài ra, Bách cũng đạt tổng điểm 3 môn khối A1 khoa Công nghệ Đa phương tiện với 21 điểm (Toán: 7,5 điểm; Lý: 6,5; Tiếng Anh: 7 điểm).
Kỳ thi đại học vừa qua, Bách là một trong những sĩ tử đặc biệt với hình ảnh xúc động khi người cha gần 60 tuổi mặc áo bộ đội bế cậu vào phòng thi.
Ngày 7/9, Bách nhập học với tâm trạng háo hức, hồi hộp khi ước mơ theo học đại học tưởng chừng “đứt gánh giữa đường” vì căn bệnh teo cơ bẩm sinh.
Tiếp tục đồng hành với con trai, ông Lê Văn Hồng, đôi chân vững chắc của con trên giảng đường, đã xin ở cùng Bách trong căn phòng nhỏ ở ký túc xá trường.
Để trang trải chi phí sinh hoạt trên thành phố cùng con trai, ông Hồng xin làm việc tại căng-tin trong trường từ 6 giờ 30 sáng đến 8 giờ tối với thu nhập 2 triệu/ tháng. “Cháu lên đây học một mình tôi không yên tâm, từ nhỏ cháu mắc căn bệnh này, chân tay yếu không thể đi lại, tôi chăm sóc cháu từ việc ăn, tắm giặt, đi lại. Hai bố con quây quần, giờ xa cháu thấy nhớ lắm, nhìn quần áo, đồ dùng của con ở nhà là tôi không chịu được”, ông Hồng tâm sự thật thà.
Hàng ngày tranh thủ lúc vắng khách ở căng-tin, ông vội tạt qua phòng để đưa Bách đi ăn, đi học. Lúc đầu, thời gian làm việc kéo dài từ sáng đến tối mặc dù không quá vất vả nhưng ông Hồng cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Dần dần, làm quen công việc, sắp xếp thời gian hợp lý, ông không cảm thấy khó khăn nữa.
“Xuống đây xác định phải lao động mới sống được, vừa có đồng ra đồng vào, vừa khuây khỏa. Có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định lại vừa được gần con là mừng rồi, chứ Hà Nội đắt đỏ lắm! Hai bố con ra ngoài ăn ở thì bao nhiêu cho đủ. Cháu bảo tôi thời gian đầu nhờ bố ở cùng lo sinh hoạt hàng ngày, sau này quen trường, thích nghi được, có bạn đỡ thì tôi về quê. Nhưng tôi không yên tâm vì chân tay cháu yếu lắm, lên xuống xe khó khăn mà cháu không tự giặt giũ, sinh hoạt được”, ông Hồng nói.
Chiếc giường gấp ông mua kê góc nhà để ở cùng con trong thời gian học đại học.
Chiếc xe lăn giá 1.8 triệu đồng mà ông Hồng mới mua cho cậu con trai để giúp con đi lại dưới trường.
Để tiết kiệm, sáng nào Bách cũng pha mì tôm ăn sáng trước khi đi học. Cậu cho biết, ở Hà Nội đồ ăn đắt quá, từ ngày ra đây cậu được bạn bè đón đi chơi một lần.
Thời gian này, Bách đang dần làm quen với cuộc sống sinh viên. Chàng trai 9X này tâm sự rằng, cách học trên giảng đường khác hẳn với cấp 3, các thầy cô giảng rất nhanh, chủ yếu mình về nhà tự học và đọc sách thêm.
“Em đang tự học thêm tiếng Anh trên mạng, em cố gắng tập trung nghe giảng trên lớp, đọc sách, tự học tại nhà để tích lũy có kết quả tốt, sau này ra trường với tấm bằng khá, giỏi xin việc cho dễ”, Bách đặt ra mục tiêu.
Nhìn lại chặng đường hơn 4 năm phía trước vừa làm thuê vừa là đôi chân đưa con lên giảng đường, ông Hồng cười nói với ánh mắt lạc quan: “Bao nhiêu khó khăn hai cha con đã vượt qua rồi, nhớ ngày xưa tôi với cháu ngủ ngoài hành lang bệnh viện, cõng con đi bộ khám bệnh với hy vọng cho cháu đôi chân lành lặn…Giờ ước mơ đại học của cháu thành hiện thực, cháu quyết tâm học là đáng mừng rồi nên có vất vả đến mấy hai bố con cũng vượt qua được”.
(Theo Tiin)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.