Bỏ lúa lao vào ương giống cá tra, trúng số thì ít trắng tay mới sợ

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 12/01/2019 07:05 AM (GMT+7)
Phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng (Long An) vừa cho biết, huyện này đang tổ chức điều tra tính hiệu quả của nghề ương cá tra giống trên địa bàn.
Bình luận 0

Trong số 5 huyện ở Đồng Tháp Mười (Long An) có tình trạng nông dân bỏ đất lúa đào ao ương cá tra giống, Tân Hưng là huyện có diện tích lớn nhất với gần 1.300ha.

Ông Trần Tấn Tài – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng cho biết sẽ điều tra tất cả các khâu ương cá tra giống của gần 700 hộ như: thuốc, con giống, thức ăn, lợi nhuận, môi trường nước…   

img

Theo ông Tài, chỉ có khoảng 30% nông dân ương cá tra giống thành công

Ông Tài cho biết, từ năm 2015 đến nay, một số hộ nông dân đã tiếp cận thị trường ương, nuôi cá tra bột tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp nên đã tự chuyển đổi mục đích từ đất sản xuất lúa sang đào ao ương cá tra giống. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, phong trào này đã phát triển mạnh.

“Hiện, tổng chi phí sản xuất 1ha ao ương cá tra giống khoảng 250 triệu đồng. Sản lượng thu hoạch cá giống bình quân 15.000kg/ha (kích cỡ 30 con/kg). Hộ nuôi đạt chiểm khoảng 30 – 50%”, ông Tài thông tin.

Còn theo bà Nguyễn Thị Phỉ - Tổng Giám đốc Công ty AND, đơn vị cung cấp giải pháp xử lý ao nuôi thủy sản bằng vi sinh, hiện tỷ lệ đầu cá tra giống nông dân nuôi đạt chỉ khoảng 5 - 7% trong tổng số lượng cá bột thả nuôi.

img

Tình trạng cá tra giống không kỳ đang khiến nhiều nông dân ương cá thua lỗ

Ông Tài đánh giá, nhìn chung hiệu quả ương cá tra giống không ổn định, phụ thuộc vào giá cả thị trường, tay nghề, môi trường, con giống, dịch bệnh…

Hiện, tình trạng ương cá không đạt nông dân phải xả ra sông khá nhiều, nhất là hiện tượng cá không kỳ, không vây.

“Ương cá tra giống như chơi xổ số vậy. Mọi người chỉ biết ai trúng độc đắc, chứ không biết những người thất bại. Vì thế, nông dân cứ tưởng ương cá dễ ăn, lợi nhuận cao nên cứ đổ xô đào ao ương cá. Thực tế, số người nuôi đạt không cao”, ông Châu Vũ Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Hưng thổ lộ.

Ông Lê Thanh Nhi (xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng) - một trong những người đầu tiên “khởi xướng” phong trào ươm cá tra giống ở được nhiều hộ khác học tập, cho biết: “Thật ra, nuôi cá tra giống rủi ro rất cao. Tôi có kinh nghiệm nuôi hơn 3 năm mà đôi lúc còn thất bại. Người nuôi tự tìm thị trường tiêu thụ, tình trạng “được mùa - rớt giá”, “được giá - mất mùa” cũng thường xuyên xảy ra”.

img

Rủi ro ương cá cao nhưng nhiều ao cá vẫn mọc lên ồ ạt tại các huyện Đồng Tháp Mười (Long An)

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, nhu cầu con giống cá tra hiện nay chỉ cần khoảng 600ha là đủ cung ứng cho thị trường. Nhưng, riêng Long An đã có trên 2.000ha diện tích ao ương. Sự chênh lệch cung - cầu tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao, gây thiệt hại kinh tế lớn. Do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên vội vàng sản xuất nhiều vụ trong một năm trên cùng diện tích; cần chọn thời điểm thích hợp để thả cá, dành một phần diện tích làm ao lắng và chú trọng tìm đầu ra.

Hiện nay, quá trình sản xuất gặp nhiều khó khăn, như: diện tích ao nuôi tăng đột biến, chất lượng cá bột không bảo đảm, trên 10% ao nuôi gặp các loại bệnh: Gan thận mủ, bệnh xuất huyết, trắng gan, trắng mang,... không thể điều trị; người nuôi chưa được tập huấn kỹ thuật ươm, xử lý nước xả; thị trường tiêu thụ không ổn định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem