Tuy nhiên, thời gian qua, có những ý kiến cho rằng không nên mở rộng vụ TĐ bởi nhiều vấn đề liên quan tới hiệu quả kinh tế, xã hội...
PV đã trao đổi với thạc sỹ Lê Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Cây lương thực và Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT) xung quanh vấn đề này.
Thạc sỹ Lê Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Cây lương thực và Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT).
Thưa ông, Bộ NN-PTNT có chủ trương mở rộng sản xuất lúa vụ 3 (thu đông) trong năm nay. Nhưng đây không phải lần đầu tiên Bộ có chủ trương này, mà đã nhiều lần khuyến cáo mở rộng vụ 3 trong những năm trước đây. Vì sao Bộ lại coi trọng vụ 3 như vậy?
- Trước hết, phải gọi là vụ lúa TĐ trong cơ cấu 3 vụ sản xuất lúa ở ĐBSCL, mà không gọi vụ là 3. Nói rõ như vậy để tránh sự nhầm lẫn, vì vụ thứ 3 trong cơ cấu 3 vụ ở các tỉnh vùng ven biển ĐBSCL lại là vụ ĐX (theo thứ tự hè thu - thu đông - đông xuân), chứ không phải là vụ TĐ.
Vụ lúa TĐ bắt đầu được sản xuất từ thập niên 80 của thế kỷ 20 ở những vùng ngập nông, chuyển từ cơ cấu 1 vụ lúa Mùa sang cơ cấu 2 vụ lúa là ĐX - HT, một số ít diện tích chuyển sang cơ cấu 3 vụ: ĐX sớm – XH – HT muộn và ĐX - HT- TĐ.
Trước đây vụ TĐ thường xuống giống vào đầu tháng 6 và kéo dài đến tháng 9, dẫn đến việc bố trí vụ lúa ĐX hàng năm gặp nhiều khó khăn do thời gian thu hoạch lúa TĐ kéo dài đến tháng 11. Từ năm 2007, thời vụ TĐ bắt đầu khoảng cuối tháng 6 và chấm dứt vào khoảng 20 tháng 8.
Năm 2011, Bộ NN-PTNT đã chủ trương rà soát và quy hoạch sản xuất lúa TĐ vùng ĐBSCL. Bộ có chủ trương đó là vì thực tế cho thấy làm lúa TĐ có những ưu điểm sau: Gieo sạ trong mùa mưa nên không bị khô hạn, đủ lượng nước cho cây lúa sinh trưởng và phát triển; lúa TĐ thu hoạch vào đầu mùa khô, thuận tiện cho việc phơi sấy, không bị mưa như vụ HT, do đó chất lượng cao hơn lúa HT; năng suất lúa cao, có nơi đạt 6-7 tấn/ha; thời điểm thu hoạch vụ TĐ thường dễ tiêu thụ lúa gạo hàng hóa; vụ TĐ còn có nhiệm vụ sản xuất lúa giống cho vụ ĐX.
Tuy nhiên, bất lợi của vụ TĐ ở những vùng ảnh hưởng lũ là thời vụ canh tác nghiêm ngặt, khung thời vụ hẹp, thời gian giãn cách giữa 2 vụ ngắn và độ an toàn không cao nếu như hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất không đảm bảo.
Vụ thu đông mang lại hiệu quả kinh tế ra sao cho người trồng lúa ở ĐBSCL?
-Viện Lúa ĐBSCL đã điều tra điều tra hộ nông dân tại 4 tỉnh/thành có diện tích canh tác lúa vụ TĐ cho thấy có tới 91% hộ làm lúa vụ TĐ có lời, chỉ có 1% bị thua lỗ và 8% hòa vốn. Những hộ không thành công là do làm tự phát, mới làm lần đầu và sản xuất bên ngoài đê bao.
Sản lượng lúa vụ TĐ xấp xỉ 50% sản lượng lúa vụ ĐX, HT, đóng góp hơn 1 triệu tấn gạo hàng hóa. Quan trọng hơn có hơn 800 ngàn hộ nông dân có thu nhập trong khoảng thơi gian làm lúa TĐ so với không làm việc gì trong 4 tháng. Để đất nhàn rỗi.
Có những ý kiến cho rằng không nên mở rộng sản xuất vụ thu đông vì sẽ phải làm nhiều đê bao ngăn lũ, khi ấy sẽ gây ra những hệ lụy như nước dồn về các khu đô thị gây ngập sâu hơn, phù sa không vào được đồng ruộng khiến đất nhanh bạc màu, hàng năm tốn kém nhiều kinh phí để tu bổ đê bao bảo vệ lúa thu đông, đất ruộng không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, để phân hủy các chất hữu cơ... Theo ông những lo ngại này có cơ sở không? Nếu có thì có thể hạn chế, khắc phục bằng cách nào?
- Dân cư ở ĐBSCL có một đặc điểm là nhà cửa gắn liền với đất ruộng. Vì thế, đê bao trong vùng ảnh hưởng lũ không chỉ bảo vệ ruộng lúa mà còn có chức năng bảo vệ khu dân cư, nhà cửa của nông dân, đồng thời tạo nên những tuyến đường giao thông mang yếu tố kinh tế, xã hội, phục vụ không chỉ sản xuất lúa mà cả nuôi trồng thủy sản. Với nhiều mục đích lớn như trên, thì đầu tư xây dựng, tu bổ đê bao là cần thiết và không nên đem kinh phí xây dựng, tu bổ đê bao để so sánh với giá trị của vụ lúa TĐ.
Sản xuất lúa cũng cần phải cung cấp nước, không phải hoàn toàn khép kín. Do đó, nhiều diện tích lúa TĐ ở vùng ngập sâu thuộc Đồng Tháp, An Giang và vùng ngập nông Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, được thu hoạch lúa TĐ trước khi lũ đạt đỉnh cao, sau đó nước lũ đã được đưa vào để lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng…
Một nghiên cứu dài hạn của Viện Lúa ĐBSCL từ 1986 tới nay cho thấy, xét về độ phì thực tế trên các vùng trồng từ 2-3 vụ lúa/năm, thậm chí là 7 vụ/2năm, thì năng suất lúa năm sau luôn bằng hoặc cao hơn so với năm trước, mặc dù lượng phân bón đa lượng không tăng.
Các kết quả từ thí nghiệm cung cấp dinh dưỡng N, P, K tại Viện Lúa ĐBSCL cho thấy chỉ những ô không bón lân (P) thì năng suất có xu hướng giảm dần theo thời gian. Còn nếu bón đầy đủ dinh dưỡng N, P, K, năng suất lúa không thay đổi. Do vậy việc khuyến cáo bón phân cân đối vẫn là giải pháp hữu hiệu để duy trì năng suất lúa.
Về lâu dài, có nên tiếp tục mở rộng lúa thu đông nữa hay không? Mở rộng đến mức nào?
- Quan điểm của Bộ NN-PTNT là sản xuất lúa TĐ phải an toàn, chỉ canh tác ở những nơi không bị ảnh hưởng của ngập lũ gây tổn hại cho sản xuất và gây thiệt hại về thu nhập cho nông dân.
Lúa TĐ chỉ nên mở rộng ở những vùng đã được hoàn chỉnh về đê bao, ở những nơi đã và đang sản xuất cũng cần tiếp tục hoàn thiện đê bao đảm bảo an toàn cho sản xuất và dân sinh. Như vậy theo quy hoạch diện tích TĐ tối đa ở ĐBSCL cũng chỉ đạt khoảng 900 ngàn ha, chiếm khoảng 50% diện tích canh tác lúa trong toàn vùng.
Nếu như không làm lúa thu đông thì nông dân vùng ngập lũ có thể làm gì khác để sinh sống trong mùa lũ với hiệu quả không kém, thậm chí còn cao hơn so với làm lúa?
- Câu hỏi này chúng tôi cũng đã đặt ra nhiều năm trước và lời giải cũng có nhiều. Chúng ta cũng thường đồng ý với nhau là sản xuất lúa không lợi nhuận bằng các loại cây trồng khác, vật nuôi hay thủy sản. Thế nhưng, lại rất khó có thể phát triển một loại hình canh tác nào luân canh với cây lúa vào mùa vụ TĐ để sản xuất trên diện tích tới 800 ngàn ha ở vùng ĐBSCL như hiện nay.
Việc đa dạng hóa các loại hình canh tác trong vùng ảnh hưởng lũ, thích nghi với lũ là mong muốn của ngành nông nghiệp cũng như các địa phương, và trên thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi cá, tôm… trong mùa lũ có hiệu quả. Nhưng những diện tích như vậy rất nhỏ, khó mở rộng vì sự bấp bênh, không an toàn.
Nếu như không làm lúa TĐ thì câu hỏi đặt ra cho chúng ta là khoảng 800 ngàn hộ nông dân sẽ sống ra sao trong mùa lũ. Trong một cuộc điều tra của Viện Lúa ĐBSCL, có tới 98% nông dân được phỏng vấn đều trả lời là vẫn tiếp tục làm vụ TĐ trong các năm tiếp theo.
Xin cám ơn ông!
Thanh Sơn (Nông nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.