Bỏ nghề kim hoàn về trồng mía

Thứ ba, ngày 05/10/2010 09:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với 11ha mía, anh Nguyễn Văn Đức (42 tuổi), ở thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, Bình Định là người có diện tích mía chuyên canh lớn nhất Bình Định.
Bình luận 0
img
Anh Đức bên đồng mía liên vùng của mình.

Anh Đức sinh ra trong gia đình có truyền thống trồng mía của thôn Hòa Mỹ. Khi anh lớn lên, làng mía Hòa Mỹ đã bỏ nghề vì giá rớt. Anh Đức cũng có 7 năm gắn bó với nghề kim hoàn. Thế nhưng cây mía vẫn luôn “ám ảnh” anh. Năm 2006, anh quyết định quay lại với nghề nông.

Ban đầu, anh thuê của UBND xã Nhơn Phúc 2ha đất và “dành” trọn số đất này cho cây mía. Năm đó, anh thu hoạch được 120 tấn mía nguyên liệu. Năm sau, anh thương lượng thuê lại đất trồng mía của 30 hộ quanh vùng với giá từ 150.000 -170.000 đồng/sào/năm và mở rộng diện tích mía lên 6ha. Sau một năm đầu tư chăm sóc, anh thu được gần 400 tấn mía. Trừ chi phí, lãi ròng gần 30 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, anh Đức tiếp tục thuê lại đất của những hộ chỉ có 1-2 sào nhỏ lẻ ở xung quanh và đến nay anh có tổng cộng 11ha. “Nhờ trồng liên vùng, đưa các giống mía mới vào canh tác cộng với kỹ thuật trồng mía hàng đôi nên dễ đầu tư thâm canh và khống chế bệnh hại nên cây mía cho năng suất cao, đạt từ 80-100 tấn/ha” - anh Đức cho hay.

Vụ thu hoạch năm 2010, với giá 850.000 đồng/tấn (10 chữ đường), cánh đồng mía của anh Đức cho thu nhập hơn 500 triệu đồng. Mỗi năm đồng mía cho 2 lần thu hoạch. Đầu vụ, anh bán mía giống cho nông dân, cuối vụ anh bán mía nguyên liệu cho nhà máy.

Riêng tiền bán mía giống (500 đồng/kg) đã cho anh thu lại gần hết vốn đầu tư cho cả cánh đồng mía, còn tiền bán mía nguyên liệu là lãi ròng. Trong mọi giai đoạn trồng, chăm sóc hay thu hoạch, cánh đồng mía của anh Đức luôn có từ 50 - 70 lao động làm việc với thu nhập bình quân từ 100 - 150 nghìn đồng/người/ngày.

Nhiều người tìm đến anh Đức học hỏi kinh nghiệm trồng mía. Ông Hồ Kim Diệp (thôn Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc, An Nhơn) kể: “Tôi “thần tượng” lối làm ăn của anh Đức và bắt chước làm theo. Tôi đổi diện tích ruộng cho người dân xung quanh, mức quy đổi 1 sào ruộng loại 1 bằng 2 sào đất trồng màu và tập trung được 15 sào đất liên vùng. Tiếp đến tôi thuê thêm 15 sào đất nữa của người dân địa phương để hình thành nên một vùng sản xuất mía 1,5ha. Năm vừa rồi cây mía đã cho tôi thu lãi hơn 40 triệu đồng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem