Bà Trần Vũ Quỳnh Anh - được bầu vào Ban Chấp hành Đảng ủy Sở Xây dựng Thanh Hóa (nhiệm kỳ 2015-2020). Ảnh: Thanh Niên
Từ những cái tên như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải, Vũ Minh Hoàng… cho tới Trần Vũ Quỳnh Anh với những cách thức bổ nhiệm “lạ lùng - thần tốc” nhưng vẫn được bao biện bằng cụm từ “đúng quy trình” trước khi chân tướng sự việc lộ rõ. Rồi cả câu chuyện “một người làm quan, cả họ được nhờ” tưởng chừng chỉ có ở thời phong kiến cũng xuất hiện tại nhiều nơi trên cả nước, mà mới đây nhất đã xảy ra tại tỉnh Hải Dương.
Chưa dừng lại tại đó, có những đơn vị cấp sở bổ nhiệm tràn lan, bất hợp lý. Vừa mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương kiểm tra, làm rõ việc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Nguyên bổ nhiệm thừa… 23 cán bộ.
Những ví dụ nêu trên chỉ là điển hình, chưa thể phản ánh hết những bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ thời gian qua. Tưởng chừng với quy trình tương đối chặt chẽ, việc bổ nhiệm cán bộ sẽ được thực hiện công khai, minh bạch để chọn ra những người có tài, có đức, xứng đáng với những vị trí quản lý nhằm giúp cho bộ máy Nhà nước hoạt động tốt hơn. Nhưng nhìn vào thực tế nêu trên, người dân, dư luận không khỏi lo ngại về những tiêu cực phía sau công tác được cho là quan trọng và có phần nhạy cảm này.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra từ phía dư luận như: Có hay không những tiêu cực, tham nhũng để sắp đặt những “chiếc ghế” cho những “vị quan” không xứng đáng? Có hay không việc những cá nhân nắm giữ chức vụ cao, lợi dụng quyền lực để chi phối, “điều khiển” quá trình bổ nhiệm nhân sự?...
Có thể nói, quy trình bổ nhiệm cán bộ vốn được xem là dân chủ, minh bạch, khách quan đã bộc lộ những lỗ hổng, bất cập nên tình trạng tiêu cực mới xảy ra. Nếu tất cả đều chuẩn chỉ thì không thể có chuyện bổ nhiệm đúng quy trình nhưng cuối cùng cán bộ được bổ nhiệm vẫn không đảm bảo, gây nên những bức xúc trong nhân dân, dư luận.
Những hạn chế bộc lộ trong quy trình bổ nhiệm cán bộ được tập trung nghiên cứu, chỉ rõ. Ban Tổ chức Trung ương đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, nâng quy trình bổ nhiệm cán bộ từ 3 lên 5 bước và vận dụng thí điểm vào việc xử lý tình huống trong công tác cán bộ ở một số địa phương. Và trong tuần vừa qua, Bộ Chính trị đã có kết luận về sửa đổi, bổ sung một số quy định về công tác cán bộ với quy trình bổ nhiệm qua 5 bước chặt chẽ.
Điểm mới căn bản của quy trình “5 bước” là đã công khai, minh bạch hóa tiêu chuẩn, bổ nhiệm cán bộ, phát huy trí tuệ và trách nhiệm của tập thể, đẩy mạnh phân cấp quản lý cho cấp ủy trong việc quản lý và quyết định công tác cán bộ. Cơ chế giám sát việc thực hiện các quy trình công tác cán bộ cũng được đề cao hơn.
Từ đây, trách nhiệm của cá nhân, nhất là người đứng đầu, trách nhiệm của tập thể trong việc giới thiệu, quy hoạch, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ đã được minh định. Từ đây, người đứng đầu khó có cơ hội làm tắt, làm sai cũng như khó có cơ hội sắp đặt cán bộ theo ý đồ cá nhân, nhóm lợi ích hoặc bổ nhiệm ồ ạt khi bước vào giai đoạn “hoàng hôn nhiệm kỳ”.
Đây được xem là bước cải tiến cần thiết nhằm tạo ra bước chuyển biến căn bản sau những vấn đề nổi cộm về công tác nhân sự trong thời gian qua. Tuy nhiên, quy trình suy cho cùng vẫn chỉ là công cụ và công cụ này cần được đặt trong tay của những người nắm giữ, triển khai đủ sự công tâm với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Cần có cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, đặc biệt là quy trình bổ nhiệm phải được giám sát một cách chặt chẽ của tập thể và nhân dân.
P.V (ANTĐ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.