Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết: Thực hiện quy định tại các Nghị định thư xuất khẩu nông sản của Việt Nam với nước nhập khẩu về việc xử lý các trường hợp không tuân thủ điều kiện về kiểm dịch thực vật nhập khẩu, Cục BVTV đã chỉ đạo các địa phương thông báo và áp dụng các biện pháp KDTV để các doanh nghiệp, mã số cơ sở đóng gói (CSĐG), vùng trồng tạm ngừng và rà soát các định rõ nguyên nhân đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp hoàn thiện Báo cáo khắc phục để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) theo điều khoản đã ký.
Cục BVTV đang siết chặt các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo Nghị định thư đã cam kết với nước xuất khẩu.
Mặt khác, Cơ quan KDTV tại cửa khẩu sẽ áp dụng các biện pháp KDTV để kiểm soát chặt khi Cục BVTV có văn bản chỉ đạo sau khi các địa phương có báo cáo kết quả xử lý các trường hợp không tuân thủ. "Do vậy hoạt động xuất khẩu nông sản tại các Cửa khẩu vẫn diễn ra bình thường không bị ùn tắc về KDTV"- Cục BVTV khẳng định.
Cũng theo Cục BVTV, các biện pháp nêu trên là rất cần thiết đúng thông lệ quốc tế và đúng theo các Nghị định thư mà Việt Nam đã ký kết nhằm giảm thiểu nguy cơ nước nhập khẩu áp dụng biện pháp tạm ngưng không thời hạn hoặc dừng nhập khẩu ảnh hưởng trực tiếp tới thương mại 2 bên và uy tín hàng hóa nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trước đó, ngày 5/9, Cục BVTV đã có các công văn gửi Sở NNPTNT 11 tỉnh, thành phố, gồm: Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Vĩnh Long, Long An, Bình Thuận, Tiền Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Trà Vinh về việc kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Theo công văn này, vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về trường hợp phát hiện một số lô hàng bị nhiễm đối tượng KDTV, trên chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Việc không kiểm soát hiệu quả các đối tượng KDTV ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói (CSĐG) dẫn đến tình trạng các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.
Vì vậy, Cục BVTV đề nghị Sở NNPTNT 11 tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ thực vật và KDTV tại địa phương thực hiện ngay việc thông báo và hướng dẫn các chủ mã số vùng trồng và CSĐG vi phạm tiến hành điều tra nguyên nhân vi phạm và thực hiện biện pháp khắc phục. Lập báo cáo gửi về Cục BVTV trước ngày 20/9 để Cục BVTV thông tin cho GACC theo các quy định của Nghị định thư nói riêng và Trung Quốc nói chung.
Đối với trường hợp nhận thông báo vi phạm lần đầu, Cục BVTV đề nghị địa phương tạm dừng sử dụng mã số, thông báo cho các chủ mã số thực hiện các biện pháp khắc phục và không thực hiện các hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tạm dừng. Chỉ khôi phục mã số khi các vùng trồng, cơ sở đóng gói áp dụng biện pháp khắc phục đảm bảo yêu cầu của GACC.
Đối với trường hợp mã số đã nhận thông báo vi phạm nhiều lần, Cục BVTV đề nghị địa phương thông báo tạm dừng và thực hiện thủ tục thu hồi mã số vi phạm; thông báo kịp thời để đảm bảo các chủ mã số vùng trồng và CSĐG này không thực hiện các hoạt động xuất khẩu.
Cục BVTV đề nghị các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng không làm thủ tục KDTV đối với những mã số vùng trồng và CSĐG đã bị tạm dừng hoặc thu hồi; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đối tượng KDTV của Trung Quốc tại vùng trồng và CSĐG đã được cấp mã số trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu và có biện pháp giám sát các CSĐG thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định của nước nhập khẩu và hướng dẫn kỹ thuật của Cục BVTV để các đơn vị tham gia sản xuất, xuất khẩu sang Trung Quốc hiểu và tuân thủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.