Ông Tuấn cho biết: Việc Quốc hội thông qua Luật Lâm nghiệp lần này thể hiện sự quan tâm của Quốc hội tới công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Luật Lâm nghiệp được thông qua lập tức có tác động tới 16,2 triệu ha rừng, tạo niềm tin cho nhân dân được giao rừng, bảo vệ rừng.
Điểm mới trong Luật là, đổi mới việc thu Quỹ dịch vụ môi trường rừng. Trong những năm qua, Quỹ đã liên tục được tăng lên, nếu năm 2016 mới thu được 1.350 tỷ đồng, thì đến năm 2017 này dự thu được 1.600 tỷ đồng và mục tiêu của năm 2018 là thu 2.000 tỷ đồng. Điều này tạo niềm tin cho thị trường, giúp có thêm kinh phí để chi trả cho các hộ dân được giao khoán, bảo vệ rừng.
Ông Hà Công Tuấn- Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT.
Ông có thể cho biết những nét mới căn bản của Luật Lâm nghiệp lần này có những điểm gì khác so với Luật BVPTR 2004?
- Dự thảo Luật lần này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp nhằm tạo ra rừng, sản xuất và cung ứng lâm sản đáp ứng cho nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội, đảm bảo chế biến và xuất khẩu lâm sản có trách nhiệm. Quy định như vậy đã thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng.
Đây là một trong những điểm đối mới quan trọng nhất so với Luật Lâm nghiệp năm 2004 và có liên quan đến toàn bộ nội dung cũng như cấu trúc của dự thảo Luật.
Chế biến và thương mại lâm sản được coi như là một trong những thế mạnh trong chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp. Ông có thể cho biết, vấn đề trên được quy định cụ thể như thế nào trong Luật Lâm nghiệp?
- Chế biến lâm sản không phải là ngành kinh doanh có điều kiện. Luật tập trung quy định rõ chính sách phát triển lâm sản theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác, liên doanh, liên kết với chủ rừng để tạo vùng nguyên liệu, quản lý rừng bền vững, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới và các giải pháp tăng trưởng xanh, nâng cao giá trị gia tăng.; bưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản.
Việc chế biến mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và mẫu vật các loài thực vật rừng hoang dã, động vật rừng hoang dã nguy cấp thuộc các phụ lục của Công ước CITES phải bảo đảm các điều kiện, như: mẫu vật có nguồn gốc hợp pháp từ cơ sở trồng cấy nhân tạo hoặc gây nuôi sinh sản, sinh trưởng; có nguồn gốc khai thác hợp pháp từ tự nhiên
Nhà nước xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; ban hành tiêu chí, quy trình, thủ tục, thẩm quyền phân loại doanh nghiệp khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Điểm mới của Luật BVPTR là hình thành "Dịch vụ môi trường rừng".
PV NTNN hỏi: Hiện diện tích đất rừng còn “tồn” trong các công ty lâm nghiệp quốc doanh như thế nào và tới đây, chúng ta có giải pháp ra sao để sử dụng đất rừng có hiệu quả?
-Ông Hà Công Tuấn: Trên thực tế, trong số 16,2 triệu ha đất rừng, hiện chỉ có 154 công ty lâm nghiệp quản lý khoảng 1,6 triệu ha trong đó 86% là rừng tự nhiên và còn rất ít là diện tích đất trống. Định hướng sắp tới của chúng ta là tiếp tục sắp xếp lại còn 130 công ty theo Nghị định 118 cuả Chính phủ và trong lần sắp xếp này, đã lấy ra 500.000ha đất rừng để giao cho dân. Chúng tôi cố gắng sẽ hoàn thành việc sắp xếp xong các nông lâm trường quốc doanh vào tháng 6.2018 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
|
Một trong những điểm mới của luật, quy định: Chuyển hướng khai thác lợi ích từ rừng sang sản phẩm phi gỗ - dịch vụ môi trường rừng. Điều này được hiểu như thế nào, thưa ông?
- “Dịch vụ môi trường rừng” là loại hình sản phẩm phi lâm sản do rừng mang lại cho các nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống con người, trong cơ chế thị trường nhất là yêu cầu phát triển bền vững hiện nay các dịch vụ này được lượng hóa giá trị hàng hóa được trao đổi mua bán trên thị trường.
Tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người đã tạo ra dịch vụ, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được chuyển vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng và được phân phối cho những người tham gia trực tiếp bảo vệ và phát triển rừng.
Đây cũng là điểm mới tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc chuyển hướng khai thác lợi ích tiềm năng của rừng, từ sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ sang sản phẩm phi gỗ, tạo nguồn tài chính bền vững để đầu tư trực tiếp vào rừng.
Vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay là sở hữu và quản lý đất rừng. Trong Luật Lâm nghiệp lần này, vấn đề sở hữu đất rừng được quy định cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu gồm rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư đã giao hoặc chưa giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
Rừng sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư gồm rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư; nhận chuyển nhượng, tặng cho, nhận thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy đinh của pháp luật.
Đồng thời, mở rộng hơn quyền hưởng lợi của chủ rừng đối với rừng tự nhiên phục hồi, rừng nghèo. Rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái sinh nên việc quy định rõ các hình thức sở hữu rừng nhằm thừa nhận thành quả lao động, kết quả đầu tư của người làm nghề rừng; tạo động lực khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào rừng nghèo và hưởng lợi từ rừng; bảo đảm quản lý rừng tốt hơn, hiệu quả hơn....
Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác
Sáng 15.11, với 87,78% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp. Luật Lâm nghiệp có 12 chương, 108 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản. Luật đã quy định nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp.
Theo đó, rừng được quản lý bền vững về diện tích và chất lượng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp. Bảo đảm tổ chức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng. Bảo đảm công khai, minh bạch, sự tham gia của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan trong hoạt động lâm nghiệp.
Việc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng và thu hồi rừng phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, diện tích rừng hiện có của địa phương; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt; không giao, cho thuê diện tích rừng đang có tranh chấp.
Đối với việc đóng và mở cửa rừng tự nhiên, Luật quy định rõ phải bảo đảm nguyên tắc quản lý rừng bền vững, bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; bảo đảm công khai và minh bạch; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan khi thực hiện đóng, mở cửa rừng tự nhiên.
Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019.
Ngọc Lương
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.