Bỏ quy định “ngực lép” không được lái xe

Diệu Thu Thứ ba, ngày 30/12/2014 13:54 PM (GMT+7)
Ông Lê Tuấn Đống, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, dự thảo về tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe đã bỏ quy định người “ngực lép” không được lái xe.
Bình luận 0

Tại buổi gặp mặt báo chí sáng 30/12, dự thảo thông tư liên tịch về tiêu chuẩn sức khỏe với người lái xe (mô tô, xe kéo, xe ôtô) quy định việc khám sức khỏe và điều kiện cơ sở y tế khám sức khỏe đã được đại diện Bộ Y tế, đại diện Bộ GTVT chia sẻ.

Theo ông Lê Tuấn Đống, thông tư về tiêu chuẩn sức khỏe với người lái xe đã bỏ quy định về tiêu chuẩn cân nặng, thể lực, chiều cao, vòng ngực. Theo đó, người “ngực lép” không được lái xe đã chính thức bỏ khỏi dự thảo lần này.

Trao đổi với phóng viên, ông  Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam  cho rằng, bỏ quy định “ngực lép” không được lái xe là đúng bởi các nước trong khu vực hiện nay vẫn chưa quy định về thể lực đối với sức khỏe người lái xe.

img 
 Bỏ quy định “ngực lép” không được lái xe là đúng bởi các nước trong khu vực hiện nay vẫn chưa quy định về thể lực đối với sức khỏe người lái xe.

 

Ông Thanh cho biết, ông và hơn 20 chuyên gia khác cùng tham gia nghiên cứu dự thảo về tiêu chuẩn sức khỏe với người lái xe.

"Trong quá trình nghiên cứu, cũng có nhiều ý kiến tranh luận về thể lực nhưng cũng đưa ra kết luận bỏ quy định thể lực trong việc cấp giấy phép lái xe. Tôi thấy rất hợp lý’, ông Thanh nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam  cũng khuyến cáo, người thấp bé quá nên tự bảo vệ chính mình và xã hội bằng cách sử dụng những xe thấp, phù hợp.

Ông Thanh cho biết thêm, ưu điểm của Dự thảo về tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe lần này đơn giản rất nhiều cho nhân dân nhưng siết chặt sức khỏe cho lái xe thương mại, lái xe đường dài.

Tại buổi họp, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, các tiêu chuẩn về sức khỏe này được chia theo 9 chuyên khoa gồm: tâm thần, thần kinh, mắt, tai-mũi-họng, cơ xương khớp, hô hấp, thuốc và các chất hướng thần khác...

Người cụt hoặc mất một bàn tay hoặc một bàn chân không đáp ứng được chức năng kể cả có dụng cụ hỗ trợ, thị lực nhìn xa hai mắt (không/có điều chỉnh bằng kính) dưới 4/10 cũng không đủ điều kiện lái xe máy.

Những người gù, vẹo hoặc quá ưỡn cột sống; hen phế quản, khớp giả, cụt hoặc mất chức năng ngón một, hoặc 2 trong 3 ngón còn lại của một bàn tay… cũng không đủ điều kiện lái xe hạng A2-A4, B2, C, D…

Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cho biết, sử dụng chất ma túy và chất có cồn thì không được lái xe.

Dự thảo lần này đưa nhóm thuốc và các chất hướng thần khác vào quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe. Quy định này bổ sung theo Luật Giao thông đường bộ mới bổ sung.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, khám sức khỏe chưa đầy đủ, lẫn lộn với bán giấy giám sức khỏe giả rất nhiều. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm việc này.

“Đây là quyền lợi, người dân nên đòi hỏi thầy thuốc khám đúng chất lượng và quy trình chuyên môn. Bộ cũng chỉ đạo và yêu cầu kiểm tra sát sao việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe”, ông Khuê nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cũng khẳng định: “Xây dựng và ban hành tiêu chí sức khỏe của người lái xe là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tác động đến hầu hết thành phần dân cư trong xã hội nên Bộ đang triển khai từng bước, chu đáo, cẩn thận”.

Trước đó năm 2008, Bộ Y tế từng ban hành quy định về điều kiện sức khỏe lái xe, trong đó quy định rất chi tiết các tiêu chí sức khỏe phải đạt được mới được phép điều khiển xe cơ giới.  Tuy nhiên, sau khi dự thảo này được đưa ra, Bộ Tư pháp đã “tuýt còi”.

Theo quy định năm 2008 do Bộ Y tế ban hành, người đủ điều kiện lái xe máy 50cm3 trở lên phải đạt chiều cao tối thiểu 1m45, cân nặng không dưới 40kg. Ngoài ra, người lái xe cũng phải đáp ứng những yêu cầu rất cụ thể về thị lực, thính lực...

Ngoài ra, trong quy định này có một số chỉ số rất đáng chú ý như đối với người lái xe cơ giới từ 1-3 tấn phải có chiều cao đủ từ 1,5m và vòng ngực từ 80cm, hay lái xe từ 3-5 tấn, phải có chiều cao trên 1,55m.

Thời điểm ban hành, quy định này khiến dư luận bức xúc khi cho rằng “ngực lép”, nhỏ bé dưới 45kg không được lái xe, nhiều người Việt sẽ không có quyền lái xe.

Mới đây một số thông tin cho rằng, quy định “ngực lép không được lái xe” có thể lại được đưa vào dự thảo Thông tư lần này. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế đã bác bỏ.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem