Bộ SGK “Chào lớp 1” chỉ có giá trị tham khảo

Thứ tư, ngày 29/09/2010 09:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Việc lựa chọn tham khảo là quyền của phụ huynh và học sinh còn việc đưa vào giảng dạy hay không là việc cần phải thẩm định"- ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết.
Bình luận 0

Ngày 28-9, trao đổi với NTNN về tính chính thống của bộ sách giáo khoa “Chào lớp 1” (NTNN số 206 đã đưa tin), ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết:

“Hiện tại Vụ chưa biết thông tin về bộ sách này và không có trách nhiệm quản lý những cuốn sách mang tính chất ngoài luồng và không chính thống. Việc lựa chọn tham khảo là quyền của phụ huynh và học sinh còn việc đưa vào giảng dạy hay không là việc cần phải thẩm định”.

Theo nhà giáo Phạm Toàn - trưởng nhóm biên soạn, bộ sách này được xây dựng độc lập và “không lệ thuộc vào Bộ GD-ĐT”, trên quan niệm hoàn toàn mới về sách giáo khoa. Lần đầu tiên, sách được biên soạn dưới dạng như một trò chơi. Bên cạnh đó, cuốn “Lối sống” được đưa vào lớp 1 thay cho môn Đạo đức thông thường.

“Lối sống sẽ không dạy trẻ em nói đạo đức mà tạo cho trẻ em năng lực sống đồng thuận ngay từ khi còn nhỏ. Năng lực sống đồng thuận sẽ đi theo các em suốt cuộc đời” - Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam – nhóm biên soạn khẳng định.

“Khi đưa vào dạy thử nghiệm, lúc đầu nhóm gặp nhiều khó khăn do học sinh đã quá quen với lối học thụ động, có em còn sợ và khóc khi được giáo viên cổ vũ chủ động tham gia vào bài học. Nhưng chỉ sau một tuần, tất cả đều khác. Phụ huynh cũng thấy ngạc nhiên về khả năng tư duy và tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên và hoạt bát của các em” - Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam nói.

Lần đầu tiên, một bộ sách “tương tự sách giáo khoa” ra đời khiến dư luận đặt câu hỏi: Sách có thay thế được sách giáo khoa chính thống không? Có chồng chéo và gây “hỗn loạn” cho trẻ không? Và có nên hay không tồn tại nhiều sách giáo khoa như vậy?

Thực tế, trước kia đã từng có tranh luận về việc đa dạng hoá các nhóm viết sách giáo khoa. Nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục cho rằng, có như vậy mới tạo được tính cạnh tranh và chọn được bộ sách tốt nhất. Những bộ sách khác, các trường có thể lựa chọn giảng dạy, nếu thấy phù hợp. GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn cho rằng, đó cũng là cách để giảm những bất cập, khổ sở khi “thay sách cuốn chiếu hàng năm, lãng phí và vô bổ”.

Ông Nguyễn An Dũng – Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam bày tỏ: Việc xây dựng một chương trình với nhiều bộ sách đã được thảo luận nhiều nhưng nếu áp dụng sẽ phải sửa Luật Giáo dục. Và dù cho phép có nhiều bộ sách giáo khoa cũng phải bám sát một chương trình thống nhất trên toàn quốc. Bộ sách này chỉ có tính chất tham khảo và có giá trị nghiên cứu mà thôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem