|
Một điểm sạt lở ở tỉnh An Giang. |
Thủy thần hung dữ
Từ đầu năm đến nay, khu vực ĐBSCL có hơn 80 điểm sạt lở lớn tập trung chủ yếu ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang… Theo báo cáo của Ban phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay tình hình sạt lở bờ sông liên tục xảy ra.
Toàn tỉnh hiện có gần 100 điểm sạt lở lớn, nhỏ với chiều dài 172km thuộc 44 xã, phường của 10 huyện, thị. Trong đó, các địa phương bị sạt lở nhiều nhất là: Thanh Bình, Hồng Ngự, Tân Hồng, Châu Thành và thị xã Sa Đéc. Chính quyền địa phương và nhân dân ra sức phòng, chống sạt lở nhưng tình hình diễn biến rất phức tạp.
Để hạn chế thiệt hại về người và của, các địa phương cần thường xuyên theo dõi diễn biến sạt lở ở các tuyến kênh để kịp thời khuyến cáo bà con di dời. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ bờ kênh bằng kè hay trồng lục bình chắn sóng để giảm sạt lở...
Ông Lê Phước Đại - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang
Mới đây, đất lở ở bờ sông Sa Đéc ở khóm Hòa Khánh, phường 2, thị xã Sa Đéc làm nhà cửa của 42 hộ dân lún nền, nứt tường. Một số nơi đất lở đến sát nhà dân làm những căn nhà ở gần bờ sông có nguy cơ bị sụp xuống sông bất cứ lúc nào. Để chống chọi, bà con đổ đất, đá, xi măng, làm bờ kè tạm nhưng cũng không trụ được lâu.
Còn tại huyện Hồng Ngự, tình hình sạt lở ở bờ sông Tiền thuộc xã Long Thuận và các xã cù lao (cồn) đang diễn biến phức tạp làm 29 hộ dân phải di dời nhà khẩn cấp.
Ông Đoàn Trí Vững - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự cho biết: “Huyện đã chỉ đạo các địa phương lập ngay kế hoạch và phương án phòng, chống lụt bão. Các địa phương có nguy cơ sạt lở thì cử người túc trực, tuần tra, tuyên truyền, vận động các hộ dân chằng lại nhà cửa… để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân”.
Hàng ngàn hộ dân di dời
Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh An Giang có hơn 40 vị trí sạt lở, tập trung ở Chợ Mới, Tân Châu, Châu Phú và thành phố Long Xuyên. Trong đó, huyện Chợ Mới, hiện có tới 11 điểm sạt lở trên sông Hậu, sông Tiền và sông Ông Chưởng với tổng chiều dài sạt lở hơn 10km, diện tích đất bị mất do sạt lở khoảng 41ha.
Ở ven bờ sông Hậu thường xuyên xảy ra sạt lở đe dọa các tuyến đường giao thông và khu vực dân cư. Đầu năm 2010, đã xảy ra sạt lở đất ở xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú với chiều dài 60m, rộng khoảng 7m đe dọa tuyến đường Quốc lộ 91 và làm thiệt hại hoàn toàn 2 căn nhà và 4 căn nhà phải tháo dỡ ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Huyện Tân Châu nằm giữa sông Tiền và sông Hậu cũng thường xuyên bị sạt lở. Tính đến nay, toàn huyện có 8 điểm sạt lở với 885 hộ trong vùng nguy cơ sạt lở cần phải di dời. Để hạn chế thiệt hại về tài sản của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này khuyến cáo người dân di dời ra khỏi vùng sạt lở, không để người dân chất gạch thành từng đống và các xe tải ra vào lấy gạch, hạn chế ghe tàu neo đậu trong khu vực cảnh báo sạt lở...
Ở tỉnh Hậu Giang, tình hình sạt lở cũng gia tăng. Theo thống kê đến nay toàn tỉnh có 22 điểm sạt lở tập trung ở 2 địa bàn là huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy với tổng chiều dài 526m, diện tích sạt lở 4.100m2, ước thiệt hại 1,1 tỷ đồng. Trong đó, sạt lở nặng nhất là ở thị trấn Ngã Sáu, xã Đông Phước, Phú Hữu.
Ông Ngô Minh Long – Phó Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành cho biết: “Đến nay, toàn huyện có 20 điểm sạt lở, tăng hơn 17 điểm so với cả năm 2009. Tổng chiều dài sạt lở 486m. Số lượng điểm sạt lở là do nước chảy xiết, lượng tàu bè qua lại tăng và người dân bơm cát, làm điểm tập kết vật liệu xây dựng…”.
Hoàng Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.