Bộ Tài chính “phản pháo” về thu phí đường bộ quá cao

Mai Hương Thứ năm, ngày 07/01/2016 17:48 PM (GMT+7)
Bộ Tài chính chiều nay (7.1) đã chính thức có ý kiến về chính sách thu phí sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án BOT.
Bình luận 0

Thời gian qua dư luận đã phản ánh việc thu phí đường bộ đối với dự án BOT do Bộ Tài chính đưa ra quá cao (từ 1.1.2016 điều chỉnh tăng mức thu phí đường bộ theo lộ trình đến năm 2016 đạt mức 3,5 lần so với mức phí cơ bản). Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Bộ Tài chính lùi thời hạn tăng phí đối với một số trạm thu phí BOT song cũng không được Bộ Tài chính chấp thuận.

img

Bộ Tài chính khẳng định: Theo lộ trình điều chỉnh mức thu phí, năm 2014 mức thu tối đa không quá 2,5 lần mức tối thiểu Khung; năm 2015 tối đa không quá 3 lần mức tối thiểu Khung; năm 2016 áp dụng mức tối đa khung. Ngày 30.12.2015, Bộ Tài chính nhận được công văn của Bộ Giao thông vận tải đề nghị lùi thời hạn điều chỉnh mức thu phí hoàn vốn của 23 Dự án BOT (có lộ trình tăng phí kể từ ngày 01.01.2016) đến ngày 01.6.2016 (lùi thời gian thực hiện 5 tháng).

Bộ Tài chính thấy rằng đề nghị của Bộ Giao thông vận tải chưa phù hợp và không thể ban hành Thông tư lùi thời hạn vì phải thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, hiện cả nước có 53 trạm thu phí, nhưng Bộ Giao thông vận tải chỉ đề nghị lùi thời gian điều chỉnh tăng mức thu phí 5 tháng của 23 trạm, trong khi đó vẫn tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định thu phí hoàn vốn 7 Dự án sắp hoàn thành, với mức thu bằng 3,5 lần mức thu cơ bản.

Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải đánh giá tổng thể tình hình thu phí các dự án: Mức thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn, tác động đến hoạt động kinh doanh vận tải, khả năng đóng góp của người dân,...; đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách cần phân tích tác động trước mắt và lâu dài, đảm bảo tính phù hợp của chính sách; đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Trước đó, dư luận phản ánh, việc các trạm thu phí BOT ồ ạt tăng phí đường bộ từ tháng 1.2016 đã tạo sức ép lớn lên doanh nghiệp vận tải và đối tượng gánh chịu cuối cùng là người dân. Do không đồng tình với việc tăng thu phí đường bộ, một số chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã đưa phương tiện tập kết tại trạm thu phí để phản đối mới đây, như tại trạm thu phí Quán Hàu (QL 1A, Quảng Bình) đã tăng phí từ 20.000 đồng/lượt xe tiêu chuẩn lên 35.000 đồng/lượt xe tiêu chuẩn. Chính thống kê của Bộ Tài chính cũng nêu, trên các tuyến quốc lộ cả nước có 23 trạm thu phí BOT tăng phí từ 1.1.2016. Cùng với đó, có 10 trạm BOT bắt đầu thu phí từ 1.1.2016. 

Ông Nguyễn Anh Hoan, đại diện Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội thông tin, 1 xe khách 34-45 chỗ ngồi, chạy Giáp Bát - Thái Bình phải mất 4 lần phí cho một chiều: phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là 70.000 đồng/lượt, phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (ra ở nút giao Liêm Tuyền, Hà Nam) 60.000 đồng/lượt, phí qua cầu Tân Đệ 50.000 đồng/lượt và phí qua trạm Mỹ Lộc 44.000 đồng/lượt. Các trạm thu phí dày đặc khiến chi phí tăng lên quá nhiều. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, Hiệp hội đã thực hiện một khảo sát với xe cá nhân, chạy tuyến Hà Nội - Ninh Bình. Kết quả cho thấy, chi phí xăng dầu là 1.200 đồng/km, chi phí cầu đường là 1.500 đồng/km. Như vậy, chi phí đường bộ đắt hơn chi phí xăng dầu trong cơ cấu giá thành vận tải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem