Chiều 19/12, Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương bàn về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường, không khí tại các đô thị lớn. Ông Trần Hồng Hà, Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì cuộc họp.
Chiều 19/12, Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức cuộc họp với các bộ ngành địa phương bàn về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường, không khí tại các đô thị lớn.
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh ô nhiễm do đâu?
Ông Hà cho biết, tại TP. Hà Nội đã có 11 trạm quan trắc môi trường tự động, còn TP.Hồ Chí Minh chưa thực hiện được đề án xây dựng quan trắc tự động. Dựa trên số liệu quan trắc của tổng cục cho thấy, bụi mịn hạt lớn PM 10 ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh không tăng, đáp ứng được theo quy chuẩn. Riêng từ năm 2013-2019 bụi mịn PM 2.5 lại tăng và có sự dao động, thời điểm xuất hiện nhiều nhất là từ 5h sáng đến 8h sáng; 18h-19h tối.
“Hà Nội có 11 trạm quan trắc môi trường tự động và số liệu nhận được cho thấy có thời điểm mức độ ô nhiễm vượt quy chuẩn từ 3-4 lần. Như vậy tình hình ô nhiễm môi trường, không khí của Hà Nội, TP.HCM từ năm 2017 đến nay có dấu hiệu gia tăng. Và đặc biệt năm nay tần suất tăng hơn so với 2018 và người dân thấy lo lắng”, ông Hà chia sẻ.
Ông Hà cho hay, một trong những nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm là do mật độ các phương tiện giao thông tăng nhanh ở hai thành phố lớn. Tại Hà Nội, số lượng xe máy đang lưu hành là 5,8 triệu xe. Hà Nội có trên 1.000 công trình đang xây dựng, các công trình này sẽ phát sinh bụi, gây ô nhiễm. Các cơ sở sản xuất công nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm.
“Riêng Hà Nội, còn có thêm nguyên nhân đốt rơm rạ; người dân sử dụng bếp than tổ ong (khoảng 60.000 bếp than). Thêm nữa, là việc xử lý rác thải phát sinh ô nhiễm, hoặc các chất thải bị cháy cũng phát sinh ô nhiễm”, ông Hà thông tin.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì cuộc họp.
Nên phun nước rửa đường, giảm ô nhiễm
Người đứng đầu Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp, thực hiện các giải pháp đồng bộ, cấp bách để giảm ô nhiễm ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, các thành phố lớn cần bố trí ngân sách, huy động nguồn lực để duy trì trạm quan trắc tự động, đưa ra kết quả chính xác về chất lượng môi trường, không khí, mỗi ngày 2 lần vào sáng, chiều.
Khi chất lượng không khí vượt quá mức, cơ quan chức năng phải có khuyến cáo cụ thể tới người dân, đặc biệt là các em nhỏ, nếu cần thiết phải để các em ở trong nhà, khi ra đường phải sử dụng các khẩu trang…
Hà Nội cũng cần công bố thông tin và có kế hoạch phun nước hàng ngày để bụi khỏi bay lên gây ô nhiễm. Xem xét điều tiết các luồng giao thông, tránh để các phương tiện đi vào khu vực đông phương tiện.
Tăng cường phương tiện giao thông công cộng để người dân có nhiều sự lựa chọn, ít sử dụng phương tiện xe cá nhân. Đối với các ô tô đi vào TP.Hà Nội phải có biện pháp che chắn, rửa xe, bụi bẩn.
Tuyên truyền để bà con chuyển từ dùng bếp than tổ ong sang dùng loại bếp không gây ô nhiễm. Tất cả các công trình xây dựng, phải có quy định cụ thể về việc bảo vệ môi trường bao gồm cả việc để vật liệu, che chắn vật liệu… Xem xét hỗ trợ để bà con không đốt rơm rạ, đặc biệt, xử lý mạnh tay đối với người đốt chất thải.
Quản lý chặt chẽ công nghệ tái chế, kiểm soát việc xây dựng công trình cao tầng và phải có lộ trình bài bản. Trường hợp phát hiện xe ô tô gây ô nhiễm sẽ chụp ảnh lại và cơ quan chức năng sẽ xử phạt nguội như xử phạt trong lĩnh vực giao thông.
Trước đó, ngày 14/12, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã đưa ra thông báo nhận định trong tuần qua (từ ngày 7-13/12), mức độ ô nhiễm không khí cũng liên tiếp có xu hướng tăng. Đặc biệt là trong các ngày từ 10 - 13/12 chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng “rất xấu.”
Với diễn biến chất lượng không khí nêu trên, Tổng cục Môi trường đã nhiều lần đưa ra cảnh báo mọi người nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM2 khi đi ra đường.
Mới đây, Bộ Y tế cũng đã chính thức đưa ra 14 khuyến cáo và hướng dẫn người dân bảo vệ sức khoẻ trong bối cảnh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp có mức độ ô nhiễm không khí ở mức nguy hại.
Theo đó, đối với người dân, Bộ Y tế khuyến cáo thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống; hạn chế ra khỏi nhà, ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Ngoài ra, người dân cũng nên trồng cây xanh trong và quanh nhà; hạn chế mở cửa, đặc biệt khi sống gần đường giao thông, khu vực ô nhiễm hạn chế dùng bếp than, củi, rơm rạ; thay thế bằng bếp điện, bếp từ, bếp ga; bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc.
Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn; hạn chế tối đa đi ra ngoài; tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa; nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa; nếu mắc các bệnh cấp tính cần đến khám tại các cơ sở y tế điều trị kịp thời; đặc biệt tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.
|
Trước tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao, lãnh đạo một số quận ở Hà Nội trong cuộc họp ngày 18-12 đã đề nghị...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.