Bộ trưởng Bộ Công Thương: Tham gia TPP, sức ép cạnh tranh rất lớn

Phương Hà (theo TTXVN) Thứ tư, ngày 07/10/2015 10:54 AM (GMT+7)
Trả lời báo chí sau khi hoàn tất đàm phán TPP tại Mỹ, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có những nhận định về thuận lợi và cả các mặt thách thức mà Việt Nam sẽ đối diện khi tham gia hiệp định này, đặc biệt là đối với ngành nông nghiệp.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

Bộ trưởng Công Thương cho  biết: Một trong những lợi ích, theo tính toán về mặt kinh tế, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, giày dép, thủy sản... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác.

Tham gia TPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng. Hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Tăng trưởng kinh tế cũng giúp ta có thêm nguồn lực để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hoàng, tham gia TPP cũng đặt ra một số thách thức nhất định đối với Việt Nam. Thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi. Mặc dù Việt Nam có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp nhưng sức cạnh tranh của chúng ta trong một số ngành nghề chưa thực sự tốt, nhất là chăn nuôi. Dự kiến đây sẽ là ngành gặp nhiều khó khăn nhất khi cam kết TPP có hiệu lực. 

Về những giải pháp để giảm thiểu những tác động tiêu cực khi tham gia TPP, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: Sẽ phải hết sức nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi sang mô hình kinh doanh trang trại, đồn điền lớn để giảm chi phí sản xuất, dễ quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như dễ ứng dụng các công nghệ sinh học vào lĩnh vực trồng trọt, canh tác, chăn nuôi, phù hợp với việc xây dựng các chiến lược về nông nghiệp. 

 Những cột mốc của TPP

Năm 2002:

New Zealand, Singapore, Chile bắt đầu bàn thảo về Pacific Three Closer Economic Partnership (3 Đối tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương).

Tháng 4.2005:

Brunei tham gia và thoả thuận được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific  Partnership Strategic Agreement - TPP).

Ngày 3.6.2005:

Hiệp định được ký kết bởi 4 thành viên và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 5.2006.

Tháng 11.2008:

Việt Nam, Australia, Peru bày tỏ ý muốn tham gia đàm phán, nâng tổng số thành viên lên 8.

Tháng 9.2008:

Mỹ (dưới quyền G.W.Bush) tuyên bố tham gia đàm phán TPP.

Tháng 3.2010:

Vòng đàm phán TPP đầu tiên diễn ra

tại Australia.

Tháng 10.2010:

Malaysia tham gia đàm phán (thành viên thứ 9).

Ngày 13.11.2010:

Việt Nam chính thức tuyên bố tham gia đàm phán TPP với tư cách thành viên đầy đủ.

Tháng 6.2011:

Vòng đàm phán thứ 7 diễn ra tại TP.HCM.

Tháng 6.2012:

Canada và Mexico tuyên bố sẽ tham gia đàm phán TPP và trở thành thành viên chính thức vào tháng 10.2012.

Tháng 7.2013:

Nhật Bản trở thành thành viên thứ 12.

Tháng 3.2015:

Đại diện Australia cho rằng 9 chương của TPP đã được đàm phán xong.

Tháng 8.2015:

Hy vọng ký kết trong vòng đàm phán tại Hawaii thất bại sau khi các nước không đạt được thoả thuận về ngành công nghiệp ô tô, đường sữa và dược phẩm.

Ngày 5.10.2015:

Tại vòng đàm phán ở Atlanta, Mỹ, Hiệp định TPP đã đạt được thoả thuận cuối cùng.

Đức Hoàng  (tổng hợp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem