Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (ảnh IT).
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: Vấn đề này phải đánh giá xem tác động cụ thể như thế nào. Ví dụ tác động về mặt xã hội như, giao thông thế nào? Hiệu quả công việc ra sao? Giờ làm việc và giờ nghỉ trưa phải xem xét cụ thể. Ví dụ, đối tượng lao động khối hành chính giờ giấc, sinh hoạt khác với người lao động trực tiếp. Cũng là lao động đó nhưng thời điểm lao động khác nhau, chẳng hạn khối sản xuất thủy sản lại kéo dài thời gian làm việc quá thì không được. Trường hợp nếu sửa đổi luật lao động thì cũng phải sửa theo hướng quy định khung, còn cụ thể những trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Vẫn theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, giờ lao động trong ngày phải đánh giá cụ thể không tự nhiên nghĩ ra nên thay đổi thế này, thay đổi thế kia. “Phải nghiên cứu bài bản, khoa học và đánh giá tác động cả về kinh tế - xã hội và yếu tố tác động đến năng suất lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Trước đó, tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội ngày 31.10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề xuất Chính phủ cần xem xét điều chỉnh thời gian làm việc trong phạm vi cả nước trong thời gian tới. Ông cho rằng trước khi nêu ra ý kiến này, ông đã tham khảo ý kiến và tài liệu từ nhiều nguồn, một số cán bộ, công chức, người nước ngoài.
Theo đại biểu Cảnh, trên thế giới cũng như Châu Á, hầu hết các nước bắt đầu giờ làm việc ở cơ quan hành chính khối văn phòng, cơ sở giáo dục từ 8h30 hoặc 9h. Thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng. Thông tin tổng hợp cũng cho thấy, đất nước có thời gian nghỉ trưa kéo dài có năng suất làm việc thấp hơn các nước khác trong cùng khu vực.
Ở Việt Nam, hiện nay, thời gian bắt đầu làm việc thường là từ 7h hoặc 7h30 đến 5h chiều. Thời gian nghỉ trưa kéo dài 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng.
Theo đại biểu Cảnh, Chính phủ nên nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả của việc thay đổi khung giờ làm việc đối với khối hành chính, dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị. Đó là giờ làm việc sẽ bắt đầu từ 8h30, kết thúc lúc 5h chiều. Thời gian nghỉ trưa kéo dài 1 tiếng. Riêng đối với khối sản xuất, khối doanh nghiệp nhà nước thì họ sẽ tự quyết định giờ làm cho phù hợp với điều kiện kinh doanh của từng đơn vị.
Theo đại biểu Cảnh, việc thay đổi thời gian làm việc như ông đề xuất sẽ đem lại lợi ích về giao thông, sức khỏe cho người lao động, hiệu quả công việc, tiết kiệm năng lượng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.