Bộ trưởng Bộ NNPTNT gợi ý có thể làm viên nén từ rơm rạ, nâng giá trị chuỗi lúa gạo
Bộ trưởng Bộ NNPTNT gợi ý có thể làm viên nén từ rơm rạ, nâng giá trị chuỗi lúa gạo
K.Nguyên
Thứ năm, ngày 02/01/2025 16:41 PM (GMT+7)
Vượt qua những con số ấn tượng năm 2023, xuất khẩu gạo năm 2024 lần đầu đạt 9 triệu tấn, thu về 5,8 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng nhưng tăng tới 23% về giá trị. Đáng chú ý, ngành lúa gạo Việt Nam còn hướng đến mục tiêu phát thải thấp, bán tín chỉ carbon.
Xuất khẩu gạo của Việt tiếp tục lập kỷ lục mới cả về sản lượng và kim ngạch, giúp Việt Nam giữ vững vị thế top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, vượt qua những con số ấn tượng năm 2023, xuất khẩu gạo năm 2024 lần đầu đạt 9 triệu tấn, thu về 5,8 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng nhưng tăng tới 23% về giá trị.
Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2024 cũng tăng 16,7% so với năm 2023. Đây là bước bứt phá vô cùng ấn tượng sau 35 năm kể từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo.
Về thị trường, gạo Việt Nam đã đi khắp thế giới với khoảng 150 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo đó, các thị trường nhập khẩu lớn nhất là Philippines, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Ghana; trong đó, Philippines tiếp tục duy trì là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là nhà cung ứng gạo hàng đầu của quốc gia này.
Đơn cử như tại thị trường Philippines, 11 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines đạt 2,47 tỷ USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước và là mặt hàng duy nhất xuất khẩu sang Philippines đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 43% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Tại thị trường Indonesia, xuất khẩu nhóm hàng nông sản tăng trưởng ấn tượng, gạo là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong kỳ. Số liệu thống kê cho thấy, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng chủ lực Việt Nam sang Indonesia trong kỳ đạt 917,69 triệu USD, tăng 20,4% và chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó gạo là nhóm hàng nông sản có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong kỳ.
Tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Indonesia trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 1.130.339 tấn, đạt giá trị 679 triệu USD, tăng 6,2% về lượng và 10,4% về giá trị. Với giá trị và số lượng gạo xuất khẩu trong kỳ, Indonesia tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam trong 2024.
Không chỉ lập kỷ lục về xuất khẩu, ngành lúa gạo Việt Nam đang hướng đến mục tiêu sản xuất giảm phát thải. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đang được các địa phương triển khai rất tích cực. Ở các mô hình thí điểm của tỉnh An Giang đã báo cáo giảm được 20-30% chi phí sản xuất. Từ đó có thể thấy, giảm chi phí thì lợi nhuận của nông dân sẽ tăng lên.
Về câu chuyện tín chỉ carbon, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng cơ chế chính sách cho thị trường hàng hoá này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thị trường tín chỉ carbon là điều rất mới với thế giới và Việt Nam. Do đó, các bộ ngành đang thống nhất để kiến nghị Chính phủ ban hành.
Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý, chúng ta không nói bán tín chỉ này được bao nhiêu tiền mà là lợi ích của đề án này mang lại rất lớn, hữu ích hơn cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
“Ví dụ rơm rạ có thể làm viên nén, làm chế phẩm cho ruộng vụ sau. Đề án tín chỉ carbon hướng đến mục tiêu tổng quát rộng lớn hơn không chỉ bán được bao nhiêu tiền, tôi nói để bà con nông dân hiểu được mục tiêu, ý nghĩa của đề án tín chỉ carbon là như thế”, Bộ trưởng Hoan chia sẻ.
Trước đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL đang mang lại kết quả tốt cho người trồng lúa. Đây được xem là cuộc cách mạng để phát triển ngành hàng lúa gạo ngày càng mạnh và rộng hơn, đồng thời xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam giảm phát thải để bạn bè quốc tế biết đến ngày càng nhiều.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng nhấn mạnh mục tiêu tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế tiêu dùng xanh toàn cầu.
Ông chỉ rõ, phát triển nông nghiệp bền vững không thể chỉ chú trọng vào năng suất và sản lượng mà cần hướng đến giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo, đảm bảo môi trường và sức khỏe nông dân.
Do đó, Bộ trưởng đề nghị các cấp chính quyền, doanh nghiệp và HTX phải đồng hành cùng nông dân. Trong đó, doanh nghiệp cần cam kết thu mua lúa gạo với giá cao hơn thị trường nhằm khuyến khích nông dân tham gia HTX, tạo động lực hợp tác và nâng cao lợi nhuận. Chính quyền và các cấp ủy cần sát cánh, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn kịp thời, từ đó tạo niềm tin và sự gắn bó của nông dân với chuỗi sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.