Quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ phát triển, kỳ vọng xuất khẩu gỗ sang Mỹ đạt 10 tỷ USD vào năm 2025
Quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ phát triển, kỳ vọng xuất khẩu gỗ sang Mỹ đạt 10 tỷ USD vào năm 2025
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 31/12/2024 07:00 AM (GMT+7)
Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ vào năm 2025. Tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt khoảng từ 125 - 130 tỷ USD. Trong đó, đồ gỗ mỹ nghệ, với tiềm năng tăng trưởng mạnh, được dự đoán đạt 10 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 11/2024 đạt 1,46 tỷ USD, giảm 4,8% so với tháng 10/2024, nhưng tăng 19,4% so với tháng 11/2023; trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,02 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng 10/2024, nhưng tăng 17,4% so với tháng 11/2023. Tính chung 11 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,7 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Cả năm 2024, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt 17,29 tỷ USD, vượt 14% so với kế hoạch năm 2024, tăng 20% so với năm 2023. Nhập khẩu lâm sản ước đạt 2,74 tỷ USD, tăng 26,2% so với năm 2023. Xuất siêu ước đạt 14,41 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2023.
Năm 2024, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt 17,29 tỷ USD, vượt 14% so với kế hoạch năm 2024, tăng 20% so với năm 2023. Nhập khẩu lâm sản ước đạt 2,74 tỷ USD, tăng 26,2% so với năm 2023. Xuất siêu ước đạt 14,41 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2023.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, xuất khẩu gỗ và lâm sản là ngành có đóng góp đáng kể vào con số xuất siêu của ngành nông nghiệp.
Có được điều đó là nhờ ngành đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu rừng trồng bền vững, hạn chế nhập khẩu nguyên liệu chế biến. Năm 2024, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng khoảng 22,7 triệu m3, vượt 1% so với chỉ tiêu kế hoạch năm, tăng 9% so với năm 2023. Khai thác gỗ từ cây phân tán và cây cao su khoảng 8 triệu mét khối, tăng 3% so với năm 2023.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ghi nhận kết quả tích cực trong 11 tháng năm 2024 do tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ áp lực lạm phát giảm dần, nhu cầu hàng hóa tăng trở lại. Trong đó, trị giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm 55,6% trong 11 tháng năm 2024, đạt 8,2 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy Mỹ là thị trường chủ lực và quan trọng hàng đầu của ngành gỗ Việt Nam. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ đang trong xu hướng tích cực.
Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, với chính quyền mới tại Mỹ, ngành gỗ của Việt Nam sẽ phải đối diện với cả cơ hội và thách thức. Do đó, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần linh hoạt trong việc thích ứng, tận dụng cơ hội; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý vấn đề về chứng minh nguồn nguyên liệu không vi phạm quy định quốc tế. Mỹ có thể điều tra và áp thuế nếu phát hiện gian lận xuất xứ hoặc chuyển tải từ nước thứ ba.
Sự thay đổi về các chính sách của Mỹ cũng sẽ khiến Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng từ các nhà cung cấp khác. Những quốc gia như Malaysia, Indonesia và Thái Lan có thể tận dụng lợi thế để tăng xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ, gây áp lực cạnh tranh lên sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Mặt khác, Mỹ cũng sẽ tăng cường hỗ trợ ngành gỗ nội địa, giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần thích ứng với các yêu cầu mới từ chính sách của Mỹ, tăng cường đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài thị trường Mỹ, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới các thị trường khác cũng ghi nhận kết quả tích cực trong 11 tháng năm 2024 như: Xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 1,9 tỷ USD, tăng 21,2%; tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Nhật Bản đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,1%; tới Hàn Quốc đạt 722,4 triệu USD, tăng 0,6%; tới Ca-na-đa đạt 227,1 triệu USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu gỗ sang Mỹ có thể đạt 10 tỷ USD
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), năm 2025 hứa hẹn là một năm phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, với tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt khoảng từ 125 - 130 tỷ USD. Theo các chuyên gia, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ mỹ nghệ, máy móc thiết bị điện tử và nông sản sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Trong đó, đồ gỗ mỹ nghệ, với tiềm năng tăng trưởng mạnh, được dự đoán đạt 10 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2024. Xu hướng tiêu dùng sản phẩm nội thất bền vững, tái chế tại Mỹ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy ngành này.
Để khai thác tốt thị trường, theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), trong năm 2025, Cục sẽ thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy định, hướng dẫn triển khai luật; tiếp tục tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp. Tổ chức triển khai hiệu quả chiến lược, quy hoạch, các chương trình, đề án của ngành.
Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc gia về quản lý giống. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong chọn, tạo giống; thâm canh rừng để nâng cao năng suất, sản lượng rừng trồng, phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn.
Thực hiện kế hoạch quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; triển khai các hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; sử dụng môi trường rừng bền vững; tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Chủ động hợp tác quốc tế nhằm vận động, thu hút nguồn vốn thông qua các chương trình, dự án cho lâm nghiệp; phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản phù hợp với luật pháp quốc tế và các hiệp định đã ký kết. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông ngành lâm nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.