Bộ trưởng “thúc” các tỉnh lấy nước
Kết thúc xả nước đợt 1, diện tích đổ ải gieo cấy lúa đông xuân các địa phương đã đạt khoảng 32% trên tổng diện tích 620.000ha. Trong đợt 1, nhu cầu lấy nước vào ruộng chủ yếu ở các tỉnh ven biển, các địa phương khác lấy nước tích trữ vào hệ thống kênh mương, khu trũng, hồ, ao. Lượng nước xả về hạ du qua phát điện các hồ thủy điện khoảng 1,3 tỷ m3 nước, duy trì mực nước trên 2,2m tại trạm thủy văn Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình thủy lợi ven sông lấy nước vào hệ thống. Nhờ lượng nước dồi dào nên nông dân một số địa phương đã tranh thủ ra đồng đổ ải, làm mạ sẵn sàng gieo cấy lúa trong khung thời vụ tốt nhất…
Bà Nguyễn Thị Thành, nông dân khu phố 2, phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh cho biết: “Hiện nước về khá dồi dào, kênh mương cũng sẵn sàng nên cứ đến lịch là địa phương bơm vào ruộng cho nông dân làm ải. Bây giờ chúng tôi đang chăm sóc mạ và chờ cấy. Trước khi cấy khoảng 1 tuần thì ra phát cỏ bờ và đắp bờ giữ nước. Chỉ mong thời tiết thuận lợi để lúa tốt để thu hoạch được nhiều”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng bà con kiểm tra mạ gieo tại huyện Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: Minh Long
Kiểm tra đổ ải tại 2 tỉnh Hà Nam và Bắc Ninh, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc tổ chức đưa, dẫn nước làm ải. Cho đến nay, diện tích có đổ ải của khu vực trung du và đồng bằng sông Hồng vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Vụ xuân đối với đồng bằng sông Hồng là vụ có ý nghĩa quan trọng, chiếm 60% sản lượng lương thực của khu vực. Điều đáng mừng là đúng vào đợt xả nước của các hồ thủy điện (từ 10-16.1) thì các tỉnh đồng bằng sông Hồng gặp trận mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa trung bình từ 70 – 100mm nên đã rút ngắn 1,5 ngày xả nước, góp phần tiết kiệm khoảng 500 triệu m3 nước từ các hồ chứa thượng nguồn so với kế hoạch. Bên cạnh đó, thời điểm Lập xuân kéo dài nên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con gieo cấy trong khung thời vụ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, các địa phương và đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi tiếp tục huy động các phương tiện lấy nước, phấn đấu diện tích có nước đổ ải trong đợt 2 đạt 80 - 85% trên tổng diện tích 620.000ha của toàn vùng. Đồng thời quản lý nước trên ruộng tránh thất thoát, lãng phí nguồn nước, đảm bảo kế hoạch cấp nước và tưới dưỡng lúa sau khi gieo cấy. “Đề nghị các địa phương tập trung gieo mạ dược xung quanh thời điểm 20.1. Dự báo năm nay ra Tết Nguyên đán còn các đợt rét, vì vậy 100% diện tích mạ dược và mạ nền gieo xung quanh tiết lập xuân phải được che phủ nylon, đảm bảo không chỉ đủ về số lượng mà còn đảm bảo chất lượng mạ. Cần chăm sóc mạ thật tốt, làm bờ vùng bờ thửa để khi lập xuân chúng ta tổ chức cấy 1 vụ xuân năng suất cao nhất” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Phải làm đất ngay khi nước về
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, năm nay tiết đại hàn rơi vào ngày 23 tháng Chạp. Theo quy luật mọi năm, tiết đại hàn rơi vào thời điểm này thì thời tiết sẽ khá thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta tổ chức gieo cấy lúa xuân sau tiết lập xuân, rơi vào ngày 3.2 dương lịch, đúng vào ngày diễn ra lễ hội Tịch điền. Năm nay, lập xuân đến sớm hơn, đồng nghĩa bà con có nhiều thời gian hơn để hoàn thành việc gieo cấy 620.000ha trong khung thời vụ tốt nhất.
|
Theo kế hoạch, đợt 2 xả nước qua phát điện các hồ thủy điện phục vụ đổ ải đông xuân 2016-2017 khu vực trung du và đồng bằng sông Hồng sẽ bắt đầu từ 0 giờ ngày 23.1 đến 24 giờ ngày 26.1. Kiểm tra việc lấy nước tại công trình thủy lợi Tắc Giang (Hà Nam), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, tỉnh đã chỉ đạo và thực hiện khá tốt việc lấy nước trong đợt 1. Đợt 2 và 3 tới đây, Hà Nam và các địa phương cố gắng điều tiết cống tối đa, lấy nước vào nội đồng để đảm bảo sau đợt 3 vẫn có đủ nước cho tưới dưỡng và chống hạn.
Được biết, năm nay Hà Nam có kế hoạch gieo cấy 32.000ha lúa vụ đông xuân. Sau đợt 1, Hà Nam đã lấy nước đạt 42% diện tích. Ông Nguyễn Quốc Đạt - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam cho biết, sau đợt 1, tỉnh vẫn chỉ đạo cho 42 máy bơm nội đồng hoạt động liên tục để bơm đổ nước vào các cánh đồng. Tỉnh phấn đấu trước Tết Nguyên đán sẽ có 80-90% diện tích được đảm bảo đủ nước. Sau tết, những diện tích ở những vùng khó khăn, diện tích trồng cây vụ đông sẽ được lấy nước tích cực để gieo cấy xong trước 20.2, khung thời vụ tốt nhất.
Trước báo cáo của tỉnh Hà Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh thêm: “Công tác làm đất phải bắt tay vào ngay sau khi có nước để vừa giữ nước, tiết kiệm nước, vừa giúp đất ngấm nước và nhuyễn hơn – đây là giải pháp thâm canh ngay từ khâu làm đất, rất tốt cho cây lúa. Các địa phương cũng cần lưu ý điều hòa trong nội đồng, tránh tình trạng nơi trũng thừa nước, nơi cao thiếu nước. Do đó phải ưu tiên vùng cao trước, vùng thấp sau để cùng với một khối lượng nước nhưng được sử dụng hiệu quả hơn”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.