Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Cơ bản hoàn thành các đề án tinh gọn bộ máy của Chính phủ trình Bộ Chính trị

Quỳnh Nguyễn Thứ bảy, ngày 21/12/2024 11:17 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến nay Bộ này cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề án liên quan về tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương.
Bình luận 0

Sáng 21/12, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Cơ bản hoàn thành các đề án tinh gọn bộ máy của Chính phủ trình Bộ Chính trị- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Đ.X

Kỷ luật 4.741 cán bộ, công chức, viên chức ngành nội vụ

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong năm 2024, Bộ Nội vụ đã tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có sai phạm, vi phạm pháp luật.

Đồng thời thực hiện các biện pháp nhằm đẩy lùi tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với đó thực hiện nghiêm các quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức gắn với siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ.

Theo đó, năm 2024 các bộ, ngành, địa phương đã xử lý kỷ luật 4.741 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, xử lý, kỷ luật 390 cán bộ; 1.092 công chức, 6.313 viên chức.

Theo cáo cáo, tính đến 30/10, tại 63 tỉnh, thành phố tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện, lũy kế đến nay, giảm 13 sở và tương đương; 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Kết quả thực hiện tinh giản biên chế 16.149 người (trong đó, bộ, ngành là 217 người, địa phương là 15.932 người). Các bộ, ngành, địa phương về cơ bản đã sử dụng đúng số biên chế được giao, không vượt quá số biên chế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Cơ bản hoàn thành các đề án tinh gọn bộ máy

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, 2024 thực sự là năm ghi nhận những dấu ấn toàn diện trên mọi mặt công tác của ngành Nội vụ.

Nổi bật trong số đó là ngành Nội vụ tập trung cao độ tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương với khối lượng công việc lớn chưa từng có.

"Đến nay, đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề án liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương bảo đảm tiến độ và đúng yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Cơ bản hoàn thành các đề án tinh gọn bộ máy của Chính phủ trình Bộ Chính trị- Ảnh 3.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.X

Về nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết đạt được những kết quả quan trọng.

Theo đó, toàn ngành đã tập trung nỗ lực để tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách; tiếp tục kiến tạo thể chế khơi thông các nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn về tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy sự phát triển.

Bộ Nội vụ là cơ quan có số văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành cao nhất với 163 chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng. Bộ trưởng Nội vụ cũng ban hành theo thẩm quyền 23 Thông tư và văn bản hợp nhất.

Đặc biệt, Bộ Nội vụ tham mưu thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương mà đột phá là đề xuất thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo lộ trình hợp lý, thận trọng, từng bước, thiết thực, hiệu quả.

"Trong đó điều chỉnh lương cơ sở tăng 30% - mức tăng cao nhất từ trước đến nay - và bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, tạo động lực và nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong năm 2024, Bộ Nội vụ cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Đồng thời tham mưu cấp có thẩm quyền thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương - thành phố Di sản đầu tiên trực thuộc Trung ương, nâng cấp 137 đơn vị hành chính đô thị góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị...

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời điểm chuẩn bị cho kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thời điểm hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp và cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, của ngành Nội vụ.

Đồng thời vận hành bộ máy hành chính nhà nước sau sắp xếp bảo đảm tính liên tục, thống nhất và ổn định phát huy được hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả…

"Theo đó, nhiệm vụ của ngành Nội vụ năm 2025 là rất nặng nề. Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ, hơn lúc nào hết, ngành Nội vụ cần có quyết tâm cao hơn, có khát vọng lớn hơn; mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực dự báo, chủ động nắm bắt tình hình từ sớm, từ xa để kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết tốt những vẫn đề đặt ra từ thực tiễn", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem