Ký ức của vị Đại tá - Thuyền trưởng tàu săn ngầm với trận đầu đánh thắng
Ký ức của vị Đại tá - Thuyền trưởng tàu săn ngầm với trận đầu đánh thắng
Ngô Văn Học
Thứ bảy, ngày 21/12/2024 14:08 PM (GMT+7)
Vào cuối giờ chiều 5/8/1964, đang chuẩn bị giao ca thì chị Phạm Thị Minh Thông, điện báo viên Tổng cục Bưu điện nhận được tin vui chiến thắng từ Quảng Ninh dồn dập gửi về. Vì sốt ruột, lo lắng nên chị vội liên lạc với Bộ tư lệnh Hải quân để hỏi thăm tin tức của chồng.
Chị hân hoan hạnh phúc khi biết Trung úy Lê Văn Chừng (chồng mình, nay là đại tá đã nghỉ hưu) lại chính là Thuyền trưởng trực tiếp chỉ huy con tàu săn ngầm mang số hiệu S.225 vừa bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên và bắt sống phi công trên bầu trời miền Bắc.
Không để Tổ quốc bị bất ngờ
Đại tá Lê Văn Chừng hiện trú tại xóm 2, thôn Đan Tảo, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ông thuộc lớp cán bộ "3 thời kỳ". Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, những người lính lại lên đường bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1955, ông Lê Văn Chừng nằm trong số hơn 100 chiến sĩ được cử sang nước bạn học hải quân. Sau hơn một năm học tập, ông là người lái con tàu sắt đầu tiên của Hải quân Việt Nam.
Năm 1960, sau khi xây dựng gia đình với cô Phạm Thị Minh Thông, người thuyền trưởng tàu tuần tiễu ven biển Lê Văn Chừng lại chia tay người vợ trẻ để sang Liên Xô huấn luyện tại Học viện Hải quân Leningrad và trở thành thuyền trưởng tàu săn ngầm với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bị thua đau ở chiến trường miền Nam nên ngay từ đầu năm 1964, Mỹ đã có kế hoạch mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Tháng 3/1964, Mỹ dùng tàu khu trục tuần tiễu ven biển để hậu thuẫn cho hải quân ngụy quyền Sài Gòn đánh phá các đảo, vùng dân cư ven biển Khu 4. Ngày 31/7/1964, tàu khu trục Maddox của Mỹ đã vào vùng biển Quảng Bình để thu thập tình báo và khiêu khích lực lượng hải quân của ta. Đặc biệt ngày 2 và 4/8/1964, Mỹ tạo dựng "Sự kiện vịnh Bắc Bộ" để lấy cớ tấn công miền Bắc Việt Nam.
Đại tá Lê Văn Chừng khẳng định: "Đó là sự tính toán rất kỹ cho việc leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc của đế quốc Mỹ. Lực lượng vũ trang, trong đó có bộ đội hải quân chúng tôi đã ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao với tinh thần không để Tổ quốc bị bất ngờ ngay từ đầu tháng 7/1964".
"Kình ngư" với bầy "ó biển"
Ngay từ sáng sớm 5/8/1964, không quân-hải quân Mỹ đã đồng loạt tấn công vào các căn cứ của ta suốt từ dọc sông Gianh (Quảng Bình) ra Nghệ An, Thanh Hóa, tới tận Quảng Ninh, Hải Phòng nhằm đánh phủ đầu và triệt hạ hải quân ta trên cả mặt trận không chiến và thủy chiến.
Mặc dù lực lượng Hải quân Việt Nam còn non trẻ, vũ khí thô sơ, nhưng những "kình ngư" của ta vẫn gan dạ đối mặt với bầy "ó biển" điên cuồng hung dữ. Tàu săn ngầm S.225 do vị chỉ huy Lê Văn Chừng làm thuyền trưởng có nhiệm vụ trực ban chiến đấu. Tuy nhiên, với chức năng chủ yếu là săn ngầm nên con tàu này không được trang bị hỏa lực đủ mạnh để tấn công tàu mặt nước hay phòng không hữu hiệu. Trên tàu chỉ được gắn hệ thống định vị thủy âm cùng hai giàn thả bom nổ sâu dưới nước. Còn hai khẩu 25mm đặt ở mũi và đuôi tàu chức năng chủ yếu mang tính chất tự vệ.
Vốn là người lính từng trải qua Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thuyền trưởng Lê Văn Chừng đã vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo bài học kinh nghiệm tác chiến phòng không áp sát trung tâm Mường Thanh, Hồng Cúm, nhằm chi viện có hiệu quả cho các đơn vị binh chủng hợp thành tiến công giành thắng lợi trên chiến trường Điện Biên.
14 giờ, qua nửa ngày chờ đợi hết sức căng thẳng, tiếng còi báo động bỗng rú lên, tiếp đó, hàng đàn máy bay Mỹ từ biển bay là sát mặt nước để tránh sự phát hiện của ra-đa, rồi bất ngờ ập đến đánh thẳng vào đội hình tàu chiến của ta tại vịnh Hạ Long. Ngay tức khắc, ông Lê Văn Chừng hạ lệnh chặt đứt dây neo và cho con tàu cơ động chạy thẳng ra Cửa Lục, đồng nghĩa với việc phải chấp nhận cuộc chiến đấu một mất một còn với bầy "ó biển", nhưng đổi lại sẽ tránh được tổn thất to lớn, khó lường cho những tàu chiến và ngư thuyền của ta đang ở bến đậu.
Sau đợt oanh kích đầu tiên, tốp máy bay địch đang vòng theo hướng Hoành Bồ để quay trở lại, phát hiện có một con tàu chiến lẻ loi trên biển, lập tức 8 tên giặc trời tập trung tấn công hòng nuốt chửng tàu săn ngầm S.225. Bình tĩnh, tỉnh táo, linh hoạt, Thuyền trưởng Lê Văn Chừng với những tính toán chuẩn xác, khoa học, vừa cho tàu tăng tốc chạy vòng vèo để tránh đạn, vừa chỉ thị mục tiêu cho pháo thủ Bùi Mạnh Hùng đánh trả khi máy bay địch bổ nhào.
Cùng chia lửa với tàu S.225 là các tàu của Đoàn 130 phía bên Bãi Cháy, các đơn vị pháo cao xạ đóng quân trên đồi và lực lượng tự vệ bến phà Hòn Gai. Mặt biển sôi sùng sục. Phát hiện phía bên phải một chiếc máy bay đang chọn góc tiếp cận 30 độ và bổ nhào từ độ cao 3.000m, Thuyền trưởng Lê Văn Chừng lệnh cho các pháo thủ sẵn sàng đón đánh. Khi pháo thủ báo cáo đã chọn xong mục tiêu, đợi chiếc máy bay vào đúng tầm ngắm, người thuyền trưởng hét lên: "Bắn!".
Trong tiếng đạn nổ đinh tai, ông Chừng vẫn kịp nhìn thấy rất rõ làn đạn từ con tàu săn ngầm găm thẳng vào đội hình "ó biển". Một chiếc máy bay bốc cháy, tên phi công Mỹ hoảng hốt cố vọt lên cao tìm đường tháo chạy, 7 chiếc máy bay còn lại sợ hãi chuồn thẳng. Lúc đó, những tiếng reo hò "Cháy rồi, cháy rồi!" âm vang mặt biển. Chiếc máy bay "ăn đạn săn ngầm" nên chỉ bay đến được tới Bái Tử Long thì đâm đầu xuống biển. Trung úy phi công Alvarez nhảy dù và bị bắt sống.
Khi mặt biển bình yên trở lại, các chiến sĩ mới biết con tàu chiến săn ngầm thân yêu đã bị thương với hàng chục lỗ đạn trên thân mình, riêng tại vị trí chỉ huy, một đầu đạn đã găm thẳng vào ca-bin buồng lái, nhưng may sao có tấm lá chắn thép đã che chở cho Thuyền trưởng Lê Văn Chừng. Ngay tối hôm đó, cả tàu được vinh dự đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống tận nơi thăm, động viên khen ngợi kịp thời. Ngày hôm sau, 3 tấm huân chương, trong đó 2 Huân chương Chiến công hạng Ba dành cho con tàu săn ngầm S.225 và cá nhân Thuyền trưởng Lê Văn Chừng, một Huân chương Chiến công hạng Nhì dành cho pháo thủ Bùi Mạnh Hùng được tổ chức đón nhận trọng thể ngay trên boong tàu.
Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, ông Chừng vẫn tiếp tục cuộc đời binh nghiệp xa nhà. Ông được điều vào TP Hồ Chí Minh, làm cán bộ Cục Tác chiến tiền phương (Bộ Tổng Tham mưu) ở Tân Sơn Nhất. Từ năm 1979 đến 1985, ông công tác tại Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế 1983, ông Chừng tiếp tục học tại Học viện Hải quân Leningrad. Những năm 1988-1989, tình hình Biển Đông phức tạp, ông nhận nhiệm vụ ra đảo xa. Trên cương vị Phó trưởng ban Xây dựng nhà giàn DK1, ông cùng đồng đội tạo thành những cột mốc chủ quyền giữa trùng khơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.