Bộ trưởng Bộ VHTTDL: "Nếu người dân tộc thiểu số chỉ thích mặc quần áo của người Kinh thì còn đâu bản sắc"
Bộ trưởng Bộ VHTTDL: "Nếu người dân tộc thiểu số chỉ thích mặc quần áo của người Kinh thì còn đâu bản sắc"
Yến Thanh
Thứ năm, ngày 06/06/2024 11:02 AM (GMT+7)
"Trong bối cảnh giao thoa giữa các nền văn hóa, điều quan trọng nhất là gốc, chính là chủ thể văn hóa" - Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Sáng 6/6, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa X tiếp tục diễn ra dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có những phản hồi đối với các ý kiến thuộc nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL: Nhận thức tốt sẽ tạo ra sản phẩm đẹp
Trong câu hỏi được đưa ra vào cuối phiên chất vấn chiều qua (5/6), ĐBQH Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng về các giải pháp bảo vệ, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, dân ca, nhạc cụ độc đáo của đồng bào dân tộc chưa đầy đủ. Theo bà, mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo tồn văn hóa, văn nghệ đặc sắc, độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chưa nêu được đâu là giải pháp đột phá, khả thi để thực hiện tốt nhất việc bảo vệ và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ giải pháp để bảo vệ tiếng nói và chữ viết của người dân tộc, nhằm duy trì và bảo tồn các bản sắc văn hóa.
Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, vấn đề lớn nhất là việc nâng cao nhận thức của người dân: "Nghe thì có vẻ kinh điển nhưng nhận thức tốt sẽ có sản phẩm đẹp. Ví dụ, nếu đồng bào không yêu thích trang phục của dân tộc mình mà chỉ thích mặc quần áo của người Kinh để tiện dụng thì làm gì còn bản sắc văn hóa. Cũng tương tự như với nhà cửa, nếu họ chỉ muốn xây nhà mái bằng, không ở nhà sàn, nhà rông thì rất khó để bảo tồn. Ngôn ngữ cũng vậy, mình phải tự học, tự thực hành, yêu thích thì mới có thể giữ gìn. Trong bối cảnh giao thoa giữa các nền văn hóa, điều quan trọng nhất là gốc, chính là chủ thể văn hóa, do đó, chúng ta phải biết trân trọng, yêu quý, giữ gìn và phát huy trách nhiệm của mỗi người, qua đó góp phần nâng cao nhận thức để tôn tạo, bảo vệ, giữ gìn nó".
Trong khi đó, Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết rõ về chính sách liên quan đến việc hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng tại các xã An toàn khu, vùng An toàn khu. Bà nêu rõ: "Ngày 24/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24 về chính sách hỗ trợ xã An toàn khu, vùng An khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, đã hơn 4 năm chờ đợi nhưng các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng tại các xã An toàn khu, vùng An toàn khu, các thiết chế văn hóa xã An toàn khu cách mạng nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau, đồng thời thu hút phát triển du lịch vẫn chưa được triển khai thực hiện".
Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL khẳng định, nhiệm vụ công nhận An toàn khu do Bộ Nội vụ trình Chính phủ để phát triển An toàn khu, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư quy hoạch tổng thể và phát triển kinh tế xã hội các An toàn khu. Do vậy, đối với các di tích, di sản trong An toàn khu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn các địa phương chủ động báo cáo với các bộ chủ quản được giao.
Các đối tượng được đưa đi bồi dưỡng nước ngoài gặp khó khăn về ngoại ngữ
Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) đưa ra thắc mắc về việc thựchiện Đề án 1437 về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài. Trước đó, vào năm 2016, Chính phủ ban hành Đề án 1437 về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài. Mục tiêu là đến năm 2030, nước ta sẽ có 930 người được cử đi học để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho văn hóa, nghệ thuật.
Tuy nhiên, theo Báo cáo 136 của Bộ thì đến hết năm 2023, chỉ mới có 56 trường hợp trúng tuyển, trong khi 6 năm nữa đề án sẽ kết thúc. Trước thực trạng này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá tình hình, đưa ra giải pháp.
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Trình Lam Sinh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc chưa thể hoàn thành được chỉ tiêu về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài tới từ nhiều nguyên nhân khác nhau: Đối tượng trong đề án khá rộng, đầu vào tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở vấn đề ngoại ngữ...
"Các đối tượng thuộc nhóm được đi bồi dưỡng, đào tạo đều từ 8 - 15 tuổi. Do tập trung cho năng khiếu, nhiều em không đảm bảo yêu cầu về ngoại ngữ. Bên cạnh đó, không phải nước nào cũng dùng tiếng Anh khi giảng dạy, thí dụ như học múa thì phải biết tiếng Trung Quốc. Bên cạnh đó, do còn nhỏ, các em đều cần có người bảo hộ mà hiện tại chúng ta không có kinh phí cho người đi cùng. Việc đào tạo còn phụ thuộc vào quyết định của các quốc gia khác, rằng họ có nhận học sinh của chúng ta hay không? Những năm qua đã có không ít trường hợp gửi hồ sơ thì nước này trả về, phải gửi sang nước khác. Khi nước đó duyệt, gia đình lại không đủ điều kiện. Hiện nay, chúng tôi đang cho tổng kết đề án này để báo cáo lại với Chính phủ, nhằm sửa đổi, đưa ra phương án khả thi nhất" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Phiên chất vấn kết thúc với câu hỏi của đại biểu Bế Trung Anh (Trà Vinh) về giải pháp đặc thù của ngành để giúp các giá trị văn hóa phi vật thể giàu bản sắc đóng góp vào đời sống vật chất của đồng bào thiểu số hiện còn rất khó khăn. Bộ trưởng Bộ VHTTDL nhận định đây là trăn trở chung của các cấp lãnh đạo cũng như đại biểu quốc hội. "Quan điểm của chúng ta đã rõ, nhưng để tạo ra một sản phẩm văn hóa, chúng ta phải xây dựng bộ thương hiệu sản phẩm, tính toán, sử dụng nó ở các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như di tích lịch sử cách mạng, ta cần có những hành trình về với cội nguồn. Để giáo dục truyền thống, ta phải tạo ra những chương trình đi tìm địa chỉ đỏ...
Đối với văn hóa, chúng ta cần có những trải nghiệm cho người dùng. Sáng tạo của các cơ quan làm văn hóa ở địa phương, các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Vai trò kết nối của doanh nghiệp với chính quyền địa phương, nơi có di tích, di sản là vô cùng quan trọng".
Sau khi Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời các câu hỏi, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Phiên chất vấn có 45 lượt ý kiến phát biểu (trong đó có 37 ý kiến chất vấn, 08 ý kiến tranh luận), 34 đại biểu chưa được chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn, tâm huyết, đầy đủ các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bên cạnh đó, lĩnh vực còn nhiều vấn đề tồn đọng: Công tác tuyển chọn, đào tạo, thu hút nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, chế độ bồi dưỡng, tiền lương với nghệ sĩ, việc thu hút nguồn lực đầu tư cho văn hóa, thể thao, du lịch tại vùng tập trung dân tộc thiểu số và miền núi...
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ trưởng liên quan quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.