Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết: "Tôi rất vui mừng và xúc động khi được Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Tôi nhận thức được trách nhiệm rất nặng nề của mình, trong thời gian tới, tôi sẽ cùng với các thành viên khác của Chính phủ tập trung triển khai các nội dung mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra".
Tân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến
Nói về sự đầu tư cho vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, thời gian qua Chính phủ đã tập trung vào chương trình 135, 30A và hiện nay là chương trình giảm nghèo bền vững quốc gia. Mặc dù ngân sách Quốc gia còn nhiều khó khăn nhưng sự ưu ái, đầu tư của Đảng, Nhà nước cho vùng dân tộc trong thời gian qua là rất đáng kể.
"Tôi cũng nhận thức là nguồn ngân sách có hạn nên chúng ta phải tập trung khai thác thêm nguồn vốn xã hội hóa, rồi các tổ chức phi chính phủ của quốc tế quan tâm vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Chúng ta phải thực hiện lồng ghép các nguồn vốn sao cho có hiệu quả" - Bộ trưởng Chiến nói.
Khi được hỏi về chương trình hành động, chọn khâu đột phá nào để tạo sự chuyển biến, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho rằng: Công tác dân tộc và đầu tư phát triển kinh tế xã hội cho vùng miền núi, dân tộc là lĩnh vực có nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Chiến lý giải, khó khăn là bởi địa hình miền núi chia cắt, hạ tầng kinh tế xã hội còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, trình độ dân trí ở khu vực này so với khu vực khác có mức độ hơn. "Do vậy, chương trình hành động của tôi là sẽ tập trung với các đồng chí lãnh đạo ban cán sự Đảng, Ủy ban dân tộc sẽ triển khai có hiệu quả chiến lược công tác dân tộc mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đến năm 2020. Chúng tôi cũng tập trung làm sao để các cấp ủy Đảng, chính quyền các dân tộc, dân tộc thiểu số phấn đấu thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chia sẻ.
Kết quả Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ các Bộ trưởng, trưởng ngành:
1. Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: 93,52% đồng ý.
2. Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an: 92,91% đồng ý.
3. Ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ: 86,06% đồng ý.
4. Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương: 85,43% đồng ý.
5. Ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: 93,72% đồng ý.
6. Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH: 60,75% đồng ý
7. Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 84,82% đồng ý.
8. Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: 78,74% đồng ý.
9. Ông Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Xây dựng: 87,75% đồng ý.
10. Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường: 85,02% đồng ý.
11. Ông Lê Minh Hưng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: 81,58% đồng ý.
12. Ông Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp: 77,94% đồng ý.
13. Ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: 78,14% đồng ý.
14. Ông Nguyễn Văn Sáu - Tổng Thanh tra Chính phủ: 72,47% đồng ý.
15. Ông Trương Quang Nghĩa - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: 84,21% đồng ý.
16. Ông Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng Bộ Nội vụ: 77,94% đồng ý.
17. Ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: 87,65% đồng ý.
18. Ông Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông: 85,83% đồng ý.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.