Bộ trưởng GTVT "trăn trở", cần sự góp ý của doanh nghiệp hàng hải

Thế Anh Thứ bảy, ngày 23/03/2024 07:00 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng mong muốn, trong thời gian tới phải nâng tỷ trọng vận tải hàng hải, thuỷ nội địa lên ít nhất là 50%.
Bình luận 0

Việt Nam có 3 cảng biển thuộc top 50 lớn nhất thế giới

Hiện nay, trên cả nước có 202 cảng hàng hóa, 11 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng, 4.791 bến thủy nội địa có phép, 1.271 bến không phép và 2.526 bến khách ngang sông.

Địa lý, địa hình có nhiều lợi thế của Việt Nam với 2.360 con sông, kênh có tổng chiều dài gần 41.900km với 9 hệ thống sông chính đổ ra biển thông qua hơn 120 cửa sông. Tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước đang được quản lý khai thác là 26.737km.

Bộ trưởng GTVT "trăn trở", cần sự góp ý của doanh nghiệp hàng hải- Ảnh 1.

Ngành hàng hải cần nhiều cơ chế tháo gỡ khó khăn. Ảnh: TA

Năm 2023, tuyến vận tải ven biển có lưu lượng vận chuyển hàng hóa thông qua các cảng thủy nội địa, cảng biển ước khoảng 225 triệu tấn.

Xu thế phát triển ngành hàng hải và đường thủy nội địa hiện nay là công nghệ số, cảng xanh, chuyển đối năng lượng, giảm khí thải và sử dụng tàu trọng tải lớn. Đây là những thách thức lớn đối với các chủ tàu, chủ cảng. Doanh nghiệp cần phải có kế hoạch phát triển để thích ứng kịp thời, nếu không sẽ bị tụt hậu so với thế giới.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, theo thống kê của tờ báo Lloyd's List (Anh), trong năm 2022, Việt Nam có 3 cảng biển nằm trong nhóm 50 cảng biển có sản lượng container thông qua lớn nhất trên thế giới, đó là Cảng TP.HCM đứng thứ 22, Cảng Hải Phòng đứng thứ 28, cảng Cái Mép Thị Vải đứng thứ 32.

Ông Ngọc cho biết, tại khu vực cảng biển Hải Phòng, hiện có 69 tuyến nội Á, 2 tuyến Mỹ - Á, 1 tuyến Á – Âu; cụm cảng biển Hồ Chí Minh có 106 tuyến nội Á, 1 tuyến Mỹ - Á, 2 tuyến Á - Âu; cụm cảng bà Rịa - Vũng Tàu có 9 tuyến nội Á, 21 tuyến Mỹ - Á, 5 tuyến Á - Âu.

Tính đến năm 2023, đội tàu biển Việt Nam có 1.447 tàu. Trong đó, tàu vận tải là 1.015 tàu. Tổng trọng tải đội tàu biển khoảng 10,7 triệu DWT. Đội tàu Việt Nam đứng thứ 3 Asean và thứ 27 trên thế giới với độ tuổi trung bình 15,5 tuổi.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam còn sở hữu đội tàu mang cờ nước ngoài với tổng trọng tải 2,5 triệu DWT.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đội tàu Việt Nam phát triển nhanh trong những năm gần đây, đang đảm nhận 100% sản lượng nội địa và từ 6 - 8% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy vậy, cơ cấu vẫn chưa hợp lý, tàu tổng hợp chiếm tỉ lệ cao, trọng tải tàu nhỏ.

Bộ trưởng GTVT "trăn trở", cần sự góp ý của doanh nghiệp hàng hải- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: TA

Những trăn trở của Tư lệnh ngành GTVT

Bộ trưởng Thắng cũng chỉ ra bất cập của hệ thống đường thuỷ, hàng hải, theo đánh giá của Bộ trưởng là "rất tốt" ở cả 3 miền, thế nhưng lại chưa khai thác hiệu quả.

"Mong muốn của chúng tôi là trong thời gian tới phải nâng tỷ trọng vận tải hàng hải, thủy nội địa lên, ít nhất là 50%", Bộ trưởng Thắng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Thắng, nếu làm được điều đó, sẽ giảm chi phí logistics, giảm chi phí bảo trì, bảo dưỡng, giảm được tai nạn giao thông. Đây là vấn đề mà Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.

"Bộ GTVT phải làm gì? Phát triển các cảng thủy thế nào? Kết nối giữa cảng biển và đường thủy nội địa có vấn đề gì? Từ cảng bến thủy lên cảng cạn, kho hàng ra sao?", ông trăn trở và cho biết, Bộ GTVT rất cần sự tham gia góp ý của các doanh nghiệp.

Một số nội dung được Bộ trưởng nêu ra như: Phát triển đội tàu vận tải ven bờ, số lượng như hiện nay đủ chưa?. Nếu chưa thì cần chính sách gì để hỗ trợ nhằm phát triển?. Hành lang pháp lý, để triển khai được các vấn đề trên thì nhà nước cần ban hành các chính sách gì?

"Đây là những nội dung mà Bộ GTVT kỳ vọng để với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước có thể tham mưu cho các cấp chính quyền, phối hợp với các địa phương đề cùng xây dựng, phát triển", Bộ trưởng nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem