Sáng nay (25.10) Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ NNPTNT. Ảnh: Đình Thắng
Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đưa ra ví dụ: "Một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý khác nhau, ngay cả con tằm, vừa phải chịu vấn đề kiểm dịch vừa phải chịu kiểm tra an toàn thực phẩm. Hay thịt cá, vừa chịu kiểm tra theo Thông tư 25, vừa phải chịu sự kiểm tra của nhiều cơ quan nhà nước khác nhau. Rồi thức ăn chăn nuôi, vừa phải kiểm tra chất lượng theo Thông tư 66 của Bộ NN&PTNT là vừa kiểm dịch động vật vừa phải chịu sự kiểm tra về an toàn thực phẩm; sản phẩm thủy sản vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm, lại vừa phải kiểm tra chất lượng hàng hóa".
"Qua đó để thấy rằng có sự chồng chéo khi một mặt hàng chịu sự quản lý 2 bộ trở lên. Cụ thể, một mặt hàng chịu sự quản lý từ hai bộ trở lên chiếm 58,8% và thời gian thông quan kiểm tra chuyên ngành chiếm 92,%. Chẳng hạn như sản phẩm sữa, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo Thông tư 25 và Quyết định 36; sữa chua, sữa bột vừa phải kiểm dịch theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT vừa phải chịu sự kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương. Tương tự, thức ăn gia súc vừa bị kiểm dịch bởi Bộ NN&PTNT, vừa phải bị kiểm tra về an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương" - ông Dũng cho biết.
Tại buổi làm việc, ông Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương kiểm tra những vấn đề đang chồng chéo thuộc Bộ NN&PTNT và vấn đề giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Công Thương theo hướng một mặt hàng chỉ giao cho một bộ chủ trì, thực hiện kiểm tra chuyên ngành.
"Tôi nêu ở đây để thấy rằng danh mục hàng hóa có sự chồng chéo, kiểm tra nhiều nhưng hiệu quả lại thấp. Khi chúng tôi kiểm tra 43.000 lô hàng tại Hải Phòng của đơn vị kiểm tra dịch động vật thì chỉ phát hiện ra 20 lô hàng vi phạm là rất thấp, chỉ chiếm 0,002%. Hiện nay Bộ đã ban hành 645 bộ quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật, đây cũng là Bộ ban hành quy chuẩn nhiều nhất, các bộ khác không ban hành được nhiều đâu. Bộ NN&PTNT cần phải rà soát 13 bộ quy chuẩn quốc gia và 127 quy chuẩn Việt Nam để nhằm sửa đổi thông tư và quy định của Bộ" - ông Dũng nhấn mạnh.
Đối với vướng mắc về danh mục kiểm tra chuyên ngành, ông Dũng cho hay, Nghị định 39 mới ban hành tháng 4.2017 của Bộ NN&PTNT, có những khoản quy định không rõ như không áp dụng quản lý rủi ro thì cần phải được rà soát xem lại. Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT đã thực hiện cơ chế một cửa với 11 thủ tục, như vậy chỉ còn lại 15 thủ tục thì tới đây, Bộ NN&PTNT cần phải tiếp tục thực hiện triển khai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.