Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Thông tin di động (VMS - Mobifone) do Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Theo quyết định này, Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác cổ phần hóa Mobifone theo quy định của pháp luật.
Ban chỉ đạo được sử dụng con dấu của Bộ Thông tin và Truyền thông trong khi thực hiện nhiệm vụ và có Tổ giúp việc do thành viên Ban chỉ đạo thành lập để triển khai công tác cổ phần hóa Mobifone.
Cũng theo quyết định này, Ban chỉ đạo hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ. Nhiệm vụ cụ thể của thành viên Ban chỉ đạo do Trưởng Ban chỉ đạo phân công và kinh phí hoạt động được lấy từ chi phí cổ phần hóa Mobifone theo quy định của pháp luật.
Chủ trương cổ phần hóa Mobifone đã có từ năm 2005 nhưng đến thời điểm hiện tại mọi việc dường như vẫn chỉ dừng lại ở vạch xuất phát. Nguyên nhân khiến việc cổ phần hóa Mobifone "dậm chân tại chỗ" được cho là do vướng mắc trong việc định giá doanh nghiệp và một phần do "gánh nặng" từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT).
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa và triển khai xác định giá trị doanh nghiệp Mobifone, phấn đấu đến quý III.2015 công bố giá trị doanh nghiệp và phê duyệt xong phương án cổ phần hóa.
Chia sẻ với báo giới, lãnh đạo Mobifone cũng khẳng định nếu được thông qua phương án cổ phần hóa, dự kiến, đến cuối năm 2015, Mobifone sẽ hoàn tất việc cổ phần. Vị này cũng tiết lộ hiện có nhiều đơn vị nước ngoài "nhòm ngó" tới Mobifone.
Về giá trị của Mobifone, theo một công ty chứng khoán, nhà mạng này được định giá khoảng hơn 3,4 tỷ USD. Năm ngoái, Mobifone đạt doanh thu 41.000 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 6.000 tỷ đồng (khoảng 285,7 triệu USD). "Nếu doanh thu và lợi nhuận của Mobifone tiếp tục tăng, giá trị của đơn vị này có thể lên tới hơn 4 tỷ USD sau khi IPO", đánh giá được dựa trên lập luận, hầu hết các công ty nhà nước sau cổ phần hóa đều tăng mạnh giá trị.
Ngoài ra, Mobifone đã chính thức tách khỏi VNPT về trực thuộc quyền quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông kể từ ngày 1.7 vừa qua. Có thể thấy, với việc Chính phủ quyết định không chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại 62 công ty cổ phần của VNPT và hệ thống vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2 cho MobiFone, đơn vị này sẽ “nhẹ gánh, đi nhanh” hơn trong việc cổ phần hóa theo yêu cầu của Chính phủ.
(Theo Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.