Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ ưu tiên thực hiện vấn đề Giáo dục nào trong năm 2022?

Tào Nga Thứ bảy, ngày 01/01/2022 16:21 PM (GMT+7)
Trao đổi với PV báo Dân Việt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ về kế hoạch ngành Giáo dục sẽ thực hiện trong năm 2022.
Bình luận 0

Nhân dịp đầu năm mới, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ với PV báo Dân Việt về tình hình học online trong năm 2021 và kế hoạch sẽ thực hiện trong năm 2022 của ngành Giáo dục.

Một năm nỗ lực của toàn ngành giáo dục

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Trong 2 năm ứng phó với dịch bệnh vừa qua, học trực tuyến được triển khai với quy mô và mức độ khác nhau, tùy thuộc vào tình hình thực tế tại mỗi địa phương. Học trực tuyến là phương thức học tập cần có sự chuẩn bị nhiều điều kiện như nhân lực, hạ tầng, kiến thức, nội dung, học liệu… đồng thời việc triển khai cần đồng bộ, có lộ trình và phương pháp phù hợp. 

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thầy và trò không thể đến trường thì giải pháp học trực tuyến là giải pháp bắt buộc ở nhiều nơi, dù chúng ta chưa có sự chuẩn bị đầy đủ. Vậy nên, khó khăn, thách thức trong tổ chức và triển khai dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả là khó tránh khỏi từ việc điều chỉnh kế hoạch, phương pháp, nội dung, chuẩn bị hạ tầng truyền thông, trang thiết bị công nghệ, cho đến sự sẵn sàng nhập cuộc của các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các cháu học sinh, đặc biệt là các cháu bậc học mầm non và tiểu học. Cùng với đó, thử thách cũng nặng nề hơn bởi 2 năm qua còn là những năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ ưu tiên thực hiện vấn đề Giáo dục nào trong năm 2022? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thăm trường Tiểu học Bích Sơn, Bắc Giang năm 2021. Ảnh: MOET

Trước yêu cầu cần phải thích nghi hiệu quả với dịch bệnh, ngành giáo dục đã chuyển trạng thái, tập trung làm tốt cả hai việc: đảm bảo chất lượng giáo dục và phòng chống dịch an toàn. Những quyết sách của ngành nhằm triển khai kế hoạch chuyển đổi lâu dài để thích ứng với dịch bệnh, đồng thời, trong ngắn hạn, tại mỗi địa phương, kế hoạch và hoạt động dạy học cần phải có những giải pháp đa dạng, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh, thời điểm trên cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn chuất lượng về kiến thức, kỹ năng cốt lõi mà người học cần phải đạt được.

Đặc biệt phải kể đến sự nỗ lực của đội ngũ giảng viên các cấp học, bậc học trong việc chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến và truyền hình. Khó khăn càng nhân lên gấp bội phần đối với bậc học mầm non và các lớp đầu của bậc tiểu học. Cùng với đó là sự hỗ trợ của gia đình, cha mẹ và người thân của các em học sinh, sự chung tay góp sức của toàn xã hội để hoạt động dạy học được đảm bảo an toàn và chất lượng tốt nhất trong khả năng có thể.

Dạy học trực tuyến khó khả thi để triển khai hiệu quả với bậc mầm non và với các lớp đầu của bậc tiểu học. Trong bối cảnh hiện nay, thẳng thắn nhìn nhận thì ở tất cả các cấp học, dạy học trực tuyến khó có thể đạt được hiệu quả như dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, nếu không tìm ra giải pháp giải quyết triệt để thì chúng ta cần xác định lựa chọn giải pháp tốt nhất. Bộ GDĐT sẽ tiến hành các rà soát, thống kê, qua đó có những đánh giá cụ thể, định lượng về chất lượng dạy và học trực tuyến, song có thể nói, 2 năm qua, hình thức dạy học này đã giúp các hoạt động giáo dục không những không gián đoạn mà còn được tiếp nối theo cách phù hợp và hiệu quả nhất có thể".

Những điều cần ưu tiên trong năm 2022

Về kế hoạch trong năm mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: "Trong năm 2022, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới căn bản toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 và Nghị Quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó, ưu tiên triển khai một số công việc:

Trước mắt, cần triển khai thật tốt đổi mới giáo dục phổ thông, củng cố chất lượng dạy và học để ứng phó với dịch bệnh và tăng cường các kỹ năng số, văn hóa số cho học sinh. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

Thực hiện Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trong đó, phát triển mạnh mẽ và ưu tiên các trường thuộc khối công nghệ và kỹ thuật. Đặc biệt là nhóm đào tạo về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay một số lĩnh vực như đảm bảo an toàn thông tin mạng, số lượng thiếu hụt lên đến hàng chục nghìn người.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát triển các trường đại học đào tạo về khối kỹ thuật và công nghệ. Tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị kết hợp sử dụng lao động nhất là giữa các doanh nghiệp và các trường đại học.

Cần phải hỗ trợ kịp thời cho những sinh viên chậm tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường năng lực đào tạo, đưa các trường đại học quy trở lại đào tạo bình thường để có thể giải quyết được nguồn nhân lực trước mắt cho các năm 2022, 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ ưu tiên thực hiện vấn đề Giáo dục nào trong năm 2022? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: MOET

Bám sát tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, Bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo các tỉnh/thành phố thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập, và hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, chủ động gặp và làm việc với Bộ Y tế để thống nhất các nội dung hướng dẫn đảm bảo an toàn học đường cho học sinh học tập trực tiếp.

Nhằm thích ứng an toàn lâu dài với tình hình dịch bệnh, Bộ tiếp tục đề nghị các địa phương, tùy theo tình hình dịch bệnh, bám sát văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ để tổ chức dạy học trực tuyến, truyền hình, đi học trực tiếp đảm bảo chất lượng và an toàn cho học sinh. 

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát và có những điều chỉnh phù hợp để có quy định nội dung cốt lõi phù hợp hơn hướng tới mục tiêu giảng dạy phù hợp với điều kiện dịch bệnh trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là dạy học trực tuyến hay trực tiếp. Tiếp tục tổ chức xây dựng các bài giảng trực tuyến, bài giảng trên truyền hình cho tất cả các cấp/bậc học, tập trung vào các bài giảng theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Hướng dẫn các địa phương triển khai hiệu quả dạy học trực tuyến, dạy học trực tiếp, trên truyền hình hoặc kết hợp các phương thức này một cách phù hợp để ứng phó với thay đổi của dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường triển khai tập huấn giáo viên thích ứng với các hình thức dạy học trực tuyến, truyền hình, trực tiếp, và dạy học kết hợp giữa các hình thức này".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem