Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 16/12/2023, diễn ra Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (1988-2023). Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam được thành lập ngày 17/12/1988. Đây là Hội đầu tiên trong lĩnh vực Bưu điện - Điện tử - Viễn thông - Phát thanh Truyền hình trước đây và nay là Thông tin và Truyền thông.
Trong quá trình hoạt động 35 năm qua, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, từng bước lớn mạnh và trở thành một tổ chức hội nghề nghiệp uy tín trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, CNTT, phát thanh truyền hình.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT - Nguyễn Mạnh Hùng đã gửi lời chúc đến các thế hệ lãnh đạo. Đồng thời, Bộ trưởng cũng nêu cao vai trò của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam trong quá quá trình từ khi thành lập và hoạt động đến nay.
"Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam sinh ra trong Đổi mới, gắn liền với Đổi mới và góp phần vào Đổi mới của đất nước. Đổi mới đã đưa thu nhập đầu người của Việt Nam tăng 40 lần, có thể nói là kỳ tích", Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng, trước đây đã chứng kiến các cuộc cách mạng máy tính, cách mạng Internet, cách mạng di động và cách mạng điện toán đám mây. Còn bây giờ, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI), một số chuyên gia trong ngành này tin rằng cách mạng AI sẽ thay đổi thế giới của chúng ta nhiều hơn tất cả các cuộc cách mạng trên trong 50 năm qua cộng lại.
"Tất cả những sự thay đổi mang tính cách mạng ấy đều xoay quanh các lĩnh vực vô tuyến, điện tử và máy tính - là các lĩnh vực hoạt động của Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Các cuộc cách mạng của ngành diễn ra trong nhiều năm qua đã thay đổi lớn trong nhận thức, thói quen và hành vi sử dụng internet của người dân Việt Nam. Trong thời gian tới, Ngành TT&TT sẽ còn có những cuộc chuyển dịch, đổi mới lớn quan trọng.
Đưa ra nhận định về những chuyển dịch trong 10 năm tới, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây sẽ là công cuộc đổi mới lần thứ hai của Ngành.
Theo đó, công cuộc đổi mới này sẽ thay đổi từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng CNTT sang CĐS; từ tự động hoá sang thông minh hoá, sang trí tuệ nhân tạo; từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Make in Vietnam (thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam); từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính...
Không chỉ vậy, ngay trước mắt là năm 2024 sẽ diễn ra những thay đổi quan trọng của ngành.
Bộ trưởng cho biết, năm 2024 sẽ là năm thương mại hoá, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng số công nghiệp. Năm 2024 còn là năm phát triển AI, nhất là AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực, các AI công nghiệp. Cung cấp công nghệ AI như dịch vụ. Đặc biệt, năm 2024 cũng là năm đầu tiên chúng ta thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn.
Trong bối cảnh đó, 3 chữ vô tuyến, điện tử và máy tính sẽ vẫn tiếp tục gắn với Hội Vô tuyến Điện từ Việt Nam. Điện tử gắn với số hoá, vô tuyến gắn với truyền đưa, và máy tính gắn với lưu trữ và xử lý thông tin.
"Về vô tuyến, Việt Nam phải làm chủ thiết bị từ 5G trở đi, làm chủ vệ tinh viễn thông, viễn thám tầm thấp. Về điện tử là phát triển ngành công nghiệp điện tử dựa trên AI. Không có một quốc gia nào trở thành nước phát triển mà không có ngành công nghiệp điện tử", Bộ trưởng Hùng chỉ ra những định hướng của ngành.
Cũng tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam - Phan Xuân Dũng có cùng quan điểm và cho rằng, Việt Nam là quốc gia có nhiều thuận lợi khoa học công nghệ mang lại, song gặp không ít thách thức. Có những lợi thế về khoa học công nghệ, nhưng Việt Nam sẽ cần phải chủ động, linh hoạt để tiến bước cùng các nước trong khu vực và thế giới, nếu không sẽ rất khó khăn.
"Chủ trường của Nhà nước ta là đẩy mạnh phát triển công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn và xem đó là đầu tư cho tương lai. Chính vì thế, đội ngũ trí thức tại Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam phải là lực lượng tiên phong cho sự nghiệp này để giúp Việt Nam phát triển", ông Phan Xuân Dũng chia sẻ.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam - ông Trần Đức Lai đã ghi nhận những chỉ đạo mà người đứng đầu ngành TT&TT chỉ đạo. Đồng thời, coi những vấn đề mà Chủ tịch Liên hiệp hội Phan Xuân Dũng đã đưa ra là cần thiết đối với Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam.
Trên tinh thần đó, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam sẽ tập trung vào những vấn đề cốt lõi để trong thời gian tới, Việt Nam thực hiện tốt những nhiệm vụ. Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện tốt chiến lược chuyển đổi số, phát triển công nghiệp điện tử, chip bán dẫn, công nghệ AI, IoT...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.