Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 14/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2023 với chủ đề "Kiến tạo dữ liệu số - thúc đẩy liên kết vùng". Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Năm Dữ liệu số quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2023 với hơn 20 hoạt động phong phú diễn ra trong tháng 12/2023, trong đó, các hoạt động trọng tâm và nổi bật nhất diễn ra trong ngày 14/12/2023. Sự kiện thu hút hơn 2.000 lượt khách tham dự đại diện các cơ quan, bộ ngành trung ương, các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, các tổ chức, tập đoàn doanh nghiệp uy tín trên cả nước.
Với mục tiêu chuyển đổi số hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương năm 2025, Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2023 tập trung thảo luận, đề cập đến chuyển đổi số và kiến tạo dữ liệu số trong các lĩnh vực trọng điểm, đồng thời thúc đẩy hình thành các liên kết giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước (B2G), doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), tạo lập và khai thác dữ liệu hướng tới tạo ra giá trị mới.
Về kinh tế số, sẽ có 2 chuyên đề là "Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp Huế" và "Kiến tạo và khai thác dữ liệu số - Tạo đột phá phát triển du lịch văn hoá". Trong tình hình kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, các chuyên gia đi vào những vấn đề cụ thể, thiết thực cho doanh nghiệp như: Các chính sách, hoạt động chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; ứng dụng các giải pháp số trong bán hàng, marketing nhằm tăng trưởng doanh thu, ứng dụng các công cụ AI, big data tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, xây dựng hệ thông quản trị tổng thể doanh nghiệp, nguồn nhân lực tạo nền tảng cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Các chuyên gia cũng sẽ đề xuất giải pháp công nghệ mới trong quản trị, khai thác dữ liệu số trong ngành du lịch - văn hóa, tọa đàm chuyên sâu thảo luận về cơ chế hợp tác giữa các cơ quan, sở ngành trong tạo lập, liên thông, quản trị, khai thác dữ liệu số - đột phá tiềm năng du lịch văn hóa và cơ chế hợp tác giữa các sở, ngành văn hóa, du lịch với các doanh nghiệp công nghệ trong việc kiến tạo và khai thác dữ liệu số ngành.
Về xã hội số, thông qua tọa đàm bàn tròn và kết nối với chuyên đề "Quản trị và khai thác dữ liệu số ngành y tế", lãnh đạo các sở, ban ngành, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các ngành y tế, giáo dục tập trung thảo luận, giới thiệu các giải pháp quản lý hồ sơ sức khỏe, quản trị hệ thống chăm sóc sức khỏe công dân, quản lý dược, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua dữ liệu số.
Bên cạnh các phiên hội nghị chuyên đề, Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2023 còn tổ chức hoạt động triển lãm công nghệ đến từ 30 gian hàng trưng bày các tiện ích chuyển đổi số của Huế, các giải pháp chuyển đổi số từ các doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, BKAV, FPT, Mobifone… và các ý tưởng, sản phẩm công nghệ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2023, vòng chung khảo Giải thưởng Sáng tạo tương lai – VietFuture 2023 cũng được VINASA tổ chức lần đầu tiên dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và công nghệ và đăng cai của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Chương trình thu hút 74 dự án từ 27 trường cao đẳng, đại học trên cả nước dự thi.
Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2023 được kỳ vọng sẽ không chỉ mang lại những thông tin, kinh nghiệm, giải pháp hữu ích về kiến tạo và khai thác dữ liệu số, mà còn thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp với các địa phương trong công tác chuyển đổi số, khai thác dữ liệu số, tạo đột phá phát triển kinh tế xã hội ở Huế nói riêng và toàn vùng kinh tế miền Trung nói chung.
Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngoài điểm sáng là xây dựng và phát triển dịch vụ đô thị thông minh với tiêu chí lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, từ năm 2018, tỉnh đã quan tâm đến việc xây dựng, khai thác dữ liệu và đưa vào vận hành hệ thống dữ liệu mở của tỉnh nhằm mục tiêu thu thập, chia sẻ các bộ dữ liệu, kết nối liên thông với các hệ thống dùng chung của tỉnh, liên thông Cổng dữ liệu quốc gia, hướng đến sự minh bạch và phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.
Hệ thống này được xây dựng và vận hành trước cả thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước. Đến nay, đã có 115 bộ dữ liệu của 32 cơ quan, đơn vị công bố trên cổng dữ liệu mở của tỉnh thuộc các lĩnh vực như: Văn hoá, y tế, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải...
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Việc quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn dữ liệu đã đem lại cho tỉnh nhiều lợi ích thiết thực. Đó là người dân, doanh nghiệp được tiếp cận một cách dễ dàng hơn với các nguồn thông tin như bản đồ địa chính, bản đồ quy hoạch, dữ liệu sức khỏe cá nhân, thông tin thời tiết.... thông qua ứng dụng di động Hue-S; các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiết kiệm thời gian hơn khi tìm kiếm thông tin về chỉ số kinh tế – xã hội; hệ thống di sản, văn hóa được số hóa đã giúp việc lưu trữ được tiến hành một cách khoa học hơn đồng thời phục vụ đắc lực cho công tác trùng tu, tôn tạo và đem lại những sản phẩm du lịch mới, trải nghiệm mới cho du khách bốn phương...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.