Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Đinh Tuấn.
Trong báo cáo về các vấn đề giáo dục trình lên Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, từ năm 2020 trở đi, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức ổn định, đảm bảo sự tương thích với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã được Chính phủ phê duyệt.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đổi mới thi, tuyển sinh liên quan đến hàng triệu thí sinh, là mối quan tâm của toàn xã hội. Bộ GD-ĐT đã cầu thị, lắng nghe những ý kiến hay, những giải pháp khả thi để xây dựng phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay.
Bộ trưởng Nhạ cũng khẳng định, đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài việc làm cho kỳ thi trở nên nhẹ nhàng, trung thực, khách quan hơn, còn tác động tích cực trong đổi mới cách dạy, cách học của các trường THPT từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.
Đối với các trường ĐH, CĐ, kết quả của kỳ thi nghiêm túc, có độ phân hóa tốt sẽ giúp cho các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh; tổ hợp xét tuyển đa dạng cũng giúp cho các trường tuyển được thí sinh phù hợp hơn đối với các ngành khác nhau.
Về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội ủng hộ hình thức thi trắc nghiệm khách quan đối với hầu hết bài thi nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm tính khách quan và độ tin cậy của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, việc tổ hợp và tiến tới tích hợp các môn thi về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để có lộ trình phù hợp và thống nhất kế hoạch đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở giáo dục phổ thông cũng như việc đào tạo chuyên nghiệp ở các trình độ sau THPT.
Hà Phương (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.