Bộ trưởng NNPTNT chỉ đạo đề phòng bão số 9 gây thiệt hại nặng

Phương Thảo Thứ bảy, ngày 24/11/2018 08:51 AM (GMT+7)
Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, vào lúc 5h sáng nay, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ có mặt tại TP.HCM.
Bình luận 0

Ngay sau khi đoàn đặt chân xuống sân bay, ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM cùng đoàn cán bộ thành phố đã đón và cùng di chuyển xuống huyện Cần Giờ khảo sát và chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 9.

Trước đó, trong buổi giao ban trực tuyến ứng phó bão số 9, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Cơn bão số 9 trên biển Đông đang tiến vào nước ta,  theo dự báo sẽ gây mưa to đến rất to và gây ra hiện tượng lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất ở các địa phương. Cơn bão này có đường đi, quỹ đạo, mạnh tương đương cơn bão số 12 năm 2017, từng gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Khánh Hoà và các tỉnh Nam trung bộ. Vì vậy, công tác phòng chống, ứng phó ở các địa phương phải khắc phục triệt để tâm lý chủ quan, để giảm thiểu thấp nhất nhiệt hại do cơn bão gây ra, đặc biệt là các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất do mưa bão".

img

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị trực tuyến.

Ban chỉ đạo trung ương đã yêu cầu các địa phương có phương án bảo vệ an toàn hồ chứa, bảo đảm an toàn nuôi trồng thủy hải sản. 29 ngàn tàu cá của các tỉnh ven biển cần nhanh chóng vào nơi tránh trú bão an toàn.

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn dự báo, khu vực Nam Tây Nguyên và các tỉnh ven biển sẽ là nơi chịu ảnh hưởng mạnh, chịu lượng mưa lớn nhất của cơn bão. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, huyện, các cơ quan liên quan, các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến bất thường của thời tiết để chủ động triển khai các biện pháp theo phương châm 4 tại chỗ. Việc thông tin về tình hình mưa lũ cần nhanh chóng, kịp thời để cơ quan chức năng và nhân dân biết, sẵn sàng ứng phó và di dời người dân đến nơi an toàn. Cần đảm bảo an toàn hệ thống công trình kênh mương, hồ đập, thiết bị xả lũ, khơi thông dòng chảy… tránh tình trạng ngập lụt. Các công ty thủy điện cần vận hành các hồ thủy điện theo đúng quy trình vận hành và Quy chế phối hợp đã ban hành.

Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết huyện đã thực hiện chỉ đạo của thành phố. Huyện thực hiện kế hoạch sơ tán hơn 4.000 người dân ở khu vực thấp, khu vực sạt lở, ở những nhà có nguy cơ bị sập đến các trường học, đồn biên phòng trước 12h ngày 24.11.

Hiện toàn bộ tàu thuyền trên khu vực biển Cần Giờ đã vào nơi trú bão số 9. Tất cả người dân trên những lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản được vận động lên bờ, các trường hợp không tuân thủ sẽ bị cưỡng chế để đảm bảo an toàn.

Huyện đã huy động hơn 1.000 công an, dân phòng, công chức, viên chức túc trực sẵn sàng hỗ trợ dân ứng phó khi có sự cố thiên tai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem