Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Phải tiếp tục đấu tranh ngoại giao

Thứ tư, ngày 29/05/2013 21:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Chúng ta đang dùng tất cả các biện pháp để đấu tranh bảo vệ ngư dân. Đấu tranh ngoại giao là biện pháp trong thời bình và luôn là biện pháp được tất cả các nước sử dụng”.
Bình luận 0

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khi trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội chiều 29.5.

img
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh

Sau vụ việc va chạm nghiêm trọng trên Biển Đông vừa rồi giữa tàu cá Việt Nam và tàu Trung Quốc, Bộ Ngoại giao đã có công hàm phản đối, song phía Trung Quốc cũng có những luận điệu phản bác ngang ngược. Vậy tiếp theo ta sẽ có những động thái ngoại giao gì, thưa Bộ trưởng?

- Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh ngoại giao. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao đã nêu rất rõ vùng đánh cá đó là vùng đánh cá của Việt Nam, việc Trung Quốc cản trở việc đánh cá của ngư dân ta là vi phạm các nguyên tắc.

Kể từ sau khi Việt Nam thông qua Luật Biển vào năm ngoái, các va chạm trên biển với Trung Quốc ngày càng nhiều và nghiêm trọng. Trong khi thái độ phía Trung Quốc ngày càng ngang ngược thì phản ứng của ta vẫn còn rất hạn chế?

- Nguyên tắc của ta là bảo vệ ngư dân. Những hành vi cản trở ngư dân trên biển như vậy là rất nghiêm trọng. Khi sự việc xảy ra thì ta phản đối. Còn trên ngư trường, nếu có những vi phạm vào vùng biển của ta thì các lực lượng chức năng sẽ có trách nhiệm bảo vệ.

Chưa kỳ họp nào báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu tại tổ lại nói nhiều đến Biển Đông như lần này. Thậm chí các đại biểu quyết liệt yêu cầu Chính phủ có thái độ quyết đoán hơn?

- Đúng là gần đây tình hình Biển Đông căng thẳng lên nhiều. Chúng ta đã thông qua luật Biển năm 2012 và đang tiếp tục thực thi luật Biển. Đối với các tranh chấp trên Biển Đông, lập trường của Chính phủ rất rõ ràng là phải giải quyết thông qua hòa bình, đối thoại, tôn trọng Công ước luật Biển. Đó là các chính sách ngoại giao, còn ngư dân có quyền đánh cá trên các vùng biển của ta, ta tiếp tục bảo vệ ngư dân đánh cá một cách hợp pháp.

Ta đã dùng biện pháp ngoại giao lâu nay song vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của cử tri và người dân, trong khi Trung Quốc ngày càng ngang ngược. Có ý kiến cho rằng tại sao chúng ta lại không kiện họ hay có biện pháp mạnh mẽ hơn?

- Ta đang dùng tất cả các biện pháp để đấu tranh bảo vệ ngư dân. Đấu tranh ngoại giao là biện pháp trong thời bình và luôn là biện pháp được tất cả các nước sử dụng. Các sự việc tranh chấp trên biển không chỉ có ngư dân Việt Nam mà còn ngư dân các nước khác trong khu vực. Ta dùng biện pháp ngoại giao và tất cả các biện pháp hòa bình khác có thể.

Nếu không phải là Bộ trưởng mà chỉ là một đại biểu bình thường, trước những quan ngại như vậy của đại biểu và cử tri, ông sẽ cảm thấy như thế nào?

- Tất nhiên, vấn đề Biển Đông luôn được báo cáo ở các kỳ họp Quốc hội. Là đại biểu thì phải lo tất cả các vấn đề trọng đại của đất nước, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Việc Thủ tướng tham gia Đối thoại Shangri-La lần này có phải để chúng ta thể hiện mối quan tâm ngày càng lớn của Việt Nam đến các diễn đàn đa phương không, thưa ông?

- Việt Nam đã tham gia diễn đàn này từ nhiều năm, nhưng năm nay, Thủ tướng là cấp cao nhất Việt Nam từng tham gia vào diễn đàn. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn tham gia tất cả các diễn đàn khu vực một cách chủ động, tích cực. Đó cũng là quan điểm của chúng ta. Thủ tướng tham gia với tư cách một diễn giả chính và sẽ có một bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc liên quan đến đường lối chính sách của Việt Nam. Cũng sẽ có một số cuộc gặp song phương đang được sắp xếp.

Thông điệp của bài phát biểu này là gì?

- Chủ đề của Đối thoại Shangri-La là hòa bình, an ninh trong khu vực, sẽ bàn đến tất cả các vấn đề liên quan, chắc là sẽ có vấn đề Biển Đông.

Xin cám ơn Bộ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem