Sáng 6/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều đại biểu chia sẻ sự bức xúc của cử tri cả nước về tình trạng xuống cấp đạo đức ở một số giáo viên, làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội.
Nữ sinh đã rơi nước mắt khi nói về cô giáo dạy Toán không giảng bài chỉ viết toàn bộ bài giảng lên bảng.
Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) phản ánh: Tình trạng cô giáo cả kỳ không nói gì, cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau, phải chăng do có quá nhiều áp lực?
Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, tình trạng giáo viên cả kỳ không nói gì mà vẫn đứng trên bục giảng trước hết phải kể đến trách nhiệm của hội động sư phạm, hiệu trưởng.
“Cô giáo cả kỳ không nói gì, hiệu trưởng ở đâu? Thực trạng cô giáo có biểu hiện như vậy xưa nay chưa từng có?”, Bộ trưởng GD-ĐT đặt câu hỏi.
Bộ trưởng cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên có yếu tố do áp lực như đại biểu nêu. Mặc dù vậy, thực trạng cô giáo mà biểu hiện vừa nêu xưa nay chưa từng có.
ĐB Nguyễn Thị Thu Dung phản ánh tình trạng xuống cấp đạo đức một bộ phận giáo viên, học sinh, chất lượng đầu vào. Gần đây, có những sự cố về đạo đức giáo viên có liên quan đến việc tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm quá dễ dàng.
“Bộ trưởng có quan điểm gì về ý kiến của tri cho rằng cần quy định điều kiện được xét tuyển khối sư phạm như hình thức, chuẩn phát âm, học lực, đi đôi với bố trí việc làm cho sinh viên trong khi tốt nghiệp?” ĐB Dung đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ bức xúc của dư luận về đạo đức của giáo viên.
Trả lời câu hỏi của ĐB, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, vấn đề chất lượng đầu vào sự phạm là có thật, một số vấn đề yếu sẽ dẫn đến quá trình đào tạo vào và ra có liên quan.
“Riêng, sự phạm là ngành có đặc thù, chúng tôi đang chuẩn bị để có những đề xuất, rồi cùng các trường ngoài điểm ra còn có những cái chuẩn để tuyển sinh như sư phạm nghệ thuật. Tôi tiếp thu ý kiến đại biểu về vấn đề này”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ sự bức xúc của dư luận về tình trạng đạo đức xuống cấp ở một số giáo viên. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, ở đây còn có trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ sở giáo dục, họ có biết hay không cho đến khi báo chí, dư luận lên tiếng thì mới vào cuộc làm rõ.
"Trường mầm, tiểu học có địa chỉ rõ ràng, xảy ra bạo hành thì hiệu trưởng có biết không, giáo viên có biết không, địa phương có biết không. Chuyện xả ra mới làm rõ thì đó là trách nhiệm của cả cộng đồng cả hệ thống chính trị ở địa phương chứ không phải chỉ mỗi Bộ trưởng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cô Trần Thị Minh Châu bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo, thời gian tới sẽ được phân công làm nhiệm vụ khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.